Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.520.914
Truy cập hiện tại 4.810
Huyện Ngọc Lặc tập trung chăm sóc lúa vụ mùa năm 2023
Ngày cập nhật 03/08/2023

Do được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, đến nay lúa mùa của huyện đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, bà con nông dân đã tiến hành các biện pháp chăm sóc, làm cỏ sục bùn, vệ sinh bờ ruộng, bón các nguồn phân cân đối và kết hợp phun thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh gây hại.

 

Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy 3.874,58 ha, cơ cấu chủ yếu bằng các giống: Thái Xuyên 111, Quốc tế 1, TBR 225, TBR 279, MHC2, Bắc Thịnh, Tân ưu 98, Bắc thơm số 7, Khang dân Đột biến,... Nhờ chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất và gieo cấy đúng khung lịch thời vụ nên hiện nay các trà lúa trên địa bàn huyện phát triển tốt, cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, bà con nông dân các xã, thị trấn đang tập trung ra đồng làm cỏ vệ sinh bờ ruộng, điều tiết nguồn nước tưới dưỡng vào ruộng để bón thúc các loại phân cân đối giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh.

Tuy nhiên do thời tiết nắng nóng kéo dài xen kẽ có mưa đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh gây hại phát sinh, phát triển nhất là bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn nhiễm nhẹ tại xã Ngọc Liên; rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ thấp, gây hại nhẹ, sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác ở các xã; xuất hiện ốc bưu vàng hại lúa ở Thúy Sơn, Thạch Lập.

Để tạo điều kiện cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đánh giá tình hình sinh trưởng của các trà lúa để có biện pháp hướng dẫn chăm sóc. Với diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, cần bón bổ sung thêm phân bón để kéo dài thời gian sinh trưởng, mỗi sào từ 1-2 kg phân NPK tổng hợp. Thường xuyên giữ nước nông trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, tập trung; không để ruộng khô hạn ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Khi lúa đẻ nhánh kín đất tháo cạn nước để nứt chân chim giúp rễ lúa ăn sâu, tăng khả năng chống đổ của cây.

Chỉ phun trừ sâu cuốn lá nhỏ trên những diện tích có mật độ sâu non đến ngưỡng phòng trừ (từ 50 con/m2 trở lên đối với giai đoạn đẻ nhánh, từ 20 con/m2 trở lên đối với giai đoạn làm đòng). Phun thuốc phòng trừ bệnh bạc lá lúa bằng các thuốc đặc hiệu, diệt chuột tập trung để mang lại hiệu quả. Khi phun thuốc phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV. Không phun thuốc với những đối tượng sâu bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ.

Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng tăng cường các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến nông dân, thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc nông dân chăm sóc lúa, theo dõi chặt chẽ sự phát triển và gây hại của các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày