Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.532.498
Truy cập hiện tại 3.428
Phong Điền: Phát huy giá trị những làng nghề truyền thống
Ngày cập nhật 19/03/2020
Phong Điền với những làng nghề truyền thống một thời nổi tiếng như gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch, lưới Vân Trình hay rèn Hiền Lương... Trước xu thế hội nhập có những làng nghề tưởng chừng như mai một nhưng nhờ sự chăm chỉ, đổi mới mẫu mã và cách tiếp cận thị trường cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, một số làng nghề truyền thống đang dần khẳng định lại giá trị thương hiệu và phát triển mạnh mẽ.
 
 

Nhiều hướng đi mới

Làng nghề truyền thống mộc Mỹ nghệ Mỹ Xuyên có lẽ hiện đang  là làng nghề phát triển nhất trong các làng nghề truyền thống của huyện Phong Điền. Chỉ tính riêng tại làng Mỹ Xuyên có 28 cơ sở sản xuất các sản phầm truyền thống như  nhà rường, bàn ghế, tủ và đồ gỗ mỹ nghệ trang trí nội ngoại thất với hơn 200 lao động tham gia trực tiếp, mức lương trung bình từ 7 triệu đồng đến 11 triệu đồng. Đó là chưa kể nhiều người thợ ở các vùng lân cận đến học nghề rồi về mở xưởng riêng hay nhiều thợ làng Mỹ Xuyên đã đi lập nghiệp khắp mọi miền tổ quốc.

Ông Lê Văn Trực – Trưởng Ban Quản lý làng nghề truyền thống Mỹ Xuyên thống kê: “Trên khắp mọi miền tổ quốc phải có tới hơn 1000 người thợ mộc Mỹ Xuyên đang làm nghề. Mộc Mỹ Xuyên bây giờ phát triển cực thịnh với đơn hàng rất nhiều. Các công trình có kiến trúc chạm khắc gỗ tinh xảo không chỉ ở Huế mà khắp vùng lân cận hầu như đều có bàn tay tài hoa của những người thợ làng nghề Mỹ Xuyên”.

Trước xu thế phát triển và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, làng nghề truyền thống đệm bàng Phò Trạch với các sản phẩm thân thiện với môi trường đang có cơ hội phát triển. Mới đây, UBND huyện Phong Điền, xã Phong Bình cùng với công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt đã cho ra đời cơ sở sản xuất làng nghề đệm bàng Phò Trạch với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Bình hy vọng: “Sự ra đời của cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống đệm bàng Phò Trạch dựa trên cái “bắt tay” của nhà nước và doanh nghiệp sẽ tạo động lực mới cho nghề truyền thống này được phát triển và hồi sinh, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời UBND xã cũng đã quy hoạch lại vùng trồng bàng để phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo cho cơ sở hoạt động có hiệu quả”.

“Cũng nhờ các chính sách hợp lý, thay đổi tư duy, tiếp cận cách làm hay, hướng đi mới của người làm nghề nên nhiều làng nghề truyền thống ở Phong Điền đang dần phục hồi và phát triển. Ngoài Mộc Mỹ Xuyên, Đệm bàng Phò Trạch nhiều thương hiệu làng nghề khác như mai Điền Hòa, lưới Vân Trình, gốm Phước Tích….đã được thị trường đón nhận”. Ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền thông tin.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Năm 1998, đánh dấu mốc nghề gốm Phước Tích chính thức “tắt lửa”, do không đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại, mẫu mã phong phú trên thị trường, gốm Phước Tích tưởng chừng như chỉ còn trong hoài niệm. Nhưng, với nỗ lực của thế hệ mới, nhiều năm qua, nghề gốm của ngôi làng cổ này đã dựa trên những cái cũ, trên nền sẳn có, các nghệ nhân mới của làng gốm Phước Tích đã sáng tạo, thổi hồn vào các sản phẩm phù hợp với thị trường. Nhiều mẫu mã mới, đa dạng và dần được mọi người biết tới nhiều hơn nhất là những dòng sản phẩm nội thất; nhiều sản phẩm đã đạt giải tại các hội chợ làng nghề truyền thống cấp huyện, cấp tỉnh; những dòng sản phẩm đã được quãng bá rộng rãi trong các kỳ Festival Huế.

Ông Lê Trọng Diễn - Nghệ nhân làng nghề truyền thống gốm Phước Tích cho hay: “Với việc được công nhận là nghề và làng nghề truyền thống, cùng với những tín hiệu tích cực trong những năm trở lại đây, sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành. Tuy nhiên nghề gốm truyền thống của làng cổ Phước Tích sẽ tiếp tục “đỏ lữa” vẫn sẽ là một thách thức rất lớn, bởi hiện nay chỉ còn một số người làm nghề gốm truyền thống này”

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải trăn trở: “Làng nghề truyền thống nước mắm Phong Hải đã duy trì qua bao đời nay và không ngừng phát triển, một trong những nét đặc trưng nổi bật của sản phẩm nước mắm Phong Hải  đó chính là mắm làm hoàn toàn từ thủ công, tinh chế ra loại nước mắm ngon, không có hóa chất. Bình quân mỗi năm có khoảng 500 ngàn lít nước mắm được xuất bán trên thị trường. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ các sản phẩm nước mắm Phong Hải chủ yếu là trong huyện và trong tỉnh mà chưa vươn đến được các thị trường lớn”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền có 08 nghề, làng nghề được công nhận. Ngoài một số làng nghề phát triển có hiệu quả, một số làng nghề, làng nghề truyền thống chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ lẻ; sản xuất trong thời gian nông nhàn; thu nhập từ hoạt động sản xuất không phải là thu nhập chính, một số làng nghề chưa thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó, trước sự phát triển của các sản phẩm công nghiệp mẫu mã phong phú, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, nên các sản phẩm của các làng nghề khó cạnh tranh được trên thị trường; nguồn nhân lực, nguyên liệu phục vụ cho hoạt động của các làng nghề hiện nay còn hạn chế...

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: “Để phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, ngoài việc các làng nghề truyền thống phải tăng giá trị các sản phẩm bằng cách cải tiến chất lượng, mẫu mã. Huyện Phong  Điền cũng đã triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống như  đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, kết nối thị trường. Bên cạnh đó, UBND huyện Phong Điền cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đồng thời  phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với phát triển làng nghề”.

www.thuathienhue.gov.vn (ctv)
Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày