Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.520.914
Truy cập hiện tại 7.321
Khi nào hết “bắt cóc bỏ dĩa”
Ngày cập nhật 18/12/2020

TTH - Cản trở và gây ách tắc giao thông, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị… là một thực trạng từ vấn đề này.

 
 

Công an ra quân tuyên truyền người dân không vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm mất trật tự đô thị, an toàn giao thông. Ảnh: MC

Chợ sáng. Người đàn ông bán thịt ở vỉa hè, góc ngã tư nhển người, rồi lại cúi xuống, ráng cắt và trả hàng cho khách. Phía xa xa, có hẳn một sự náo động khi các chị, các bà, các mệ… xê dịch thúng mủng rau dưa, củ quả, thịt cá vào bên trong vỉa hè. Chuyện cũng không còn mới, nhưng nó liên tục tái diễn hết ngày này sang tháng khác, mỗi khi có xe trật tự xuất hiện ở một phía nào đó.

Điều làm tôi thấy ấm lòng, là thay vì sự gắt gỏng, giằng co, đôi khi là có cả một số thứ bị vung vẩy ra tứ phía… chiếc xe chở đội trật tự hôm đó dừng lại cách một đoạn. Hai nhân viên còn trẻ, đi dọc theo tuyến đường quanh chợ, nhắc nhẹ từng người dọn hàng gọn gàng vào phía trong, kèm luôn câu “Cô bác dẹp vào giùm con. Nhớ đừng để tụi con nhắc hoài!”.

“Đó là việc thường ngày. Người ta phải làm cũng như em phải mưu sinh mỗi ngày. Ngặt nỗi cực chẳng đã tụi em mới dừng lại ở góc này, khách cũng đã quen rồi. Chỉ còn cách bày hàng sao cho ít ảnh hưởng đến người qua lại và không phiền cho người nhắc nhở - Chủ hàng thịt nói khi tôi quay lại lấy phần mình gửi – Biết là không được kinh doanh trên vỉa hè, nhưng vì cuộc sống, tụi em chấp nhận sự chênh vênh ni được chừng mô hay chừng nớ!”.

Không biết có bao nhiêu người nghĩ như vậy, song việc chấp nhận sự không ổn định đó, có lẽ đã trở thành điều mặc nhiên từ lâu ở những người buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong bạ, hàng lẻ khắp các chợ đô thị và cả các trung tâm huyện, thị trấn.

Cản trở và gây ách tắc giao thông, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị… là một thực trạng từ vấn đề này. Rất nhiều ý kiến phản ánh, thảo luận, bàn bạc để tìm ra một giải pháp căn cơ trong rất nhiều cuộc họp, hội nghị và được thảo luận ở nhiều kỳ họp ở hội đồng Nhân dân các cấp. Tuy nhiên, một giải pháp căn cơ, gần như đã không đạt được.

Nếu nói vì cuộc sống, chắc sẽ có nhiều cách lý giải khác nhau, ở từng góc độ khác nhau. Nhưng một khi những vấn đề chính yếu vẫn chưa được thay đổi tận gốc, từ thói quen, hành vi và nhận thức của người tiêu dùng chưa được thay đổi, sẽ khó thay đổi được phương thức của người mưu sinh. Điều này, rất nhiều khi được lý giải từ văn hóa sử dụng vỉa hè của người dân, dẫn đến sự dễ dãi sau đó nên mọi việc vẫn lặp lại. Lặp lại ngay cả khi chúng ta có hẳn Luật Giao thông. Lặp lại đến mức Chính phủ đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, làm mất trật tự đô thị, an toàn giao thông tại địa phương tại Công văn 5001/VPCP-CN năm 2020.

Nhìn nhận vấn đề từ phía khác, có thể nhận thấy tình trạng này diễn ra không chỉ từ chủ thể mà cả khách thể; không chỉ từ các ban quản lý chợ mà các chính quyền địa phương, nhất là tại nơi có các chợ dân sinh và các khu vực dành cho người bán hàng rong cũng chưa được thực hiện đồng nhất và hợp lý. Đương nhiên là còn vì chế tài của chúng ta còn lỏng, chưa đủ để giải quyết rốt ráo. Cũng có thể vì tâm lý chung, sự tình nghĩa… Mặt khác, cũng mới chỉ “thổi còi” người bán mà chưa ‘thổi còi” người mua. Người ta vẫn bảo “không có lửa làm sao có khói” mà!

Giải quyết đồng thời, hài hòa các mối quan hệ và sự phát sinh của nó bao giờ cũng là điều được hướng tới, dù không bao giờ đạt đến sự tuyệt đối. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa đạt đến sự tương đối ở mức chấp nhận được, nghĩa là chúng ta vẫn cứ phải chấp nhận tính không chuyên nghiệp trong điều hành. Như kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” mãi vậy!

An Bình Lê

 

Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày