Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.520.914
Truy cập hiện tại 514
Cây măng cụt ở xứ Tiên
Ngày cập nhật 22/09/2021

Măng cụt là loài trái cây khá phổ biến ở các nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, và Việt Nam. Tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cây măng cụt được bà con nơi đây trồng rộng rãi do năng suất cao. Người tiêu dùng bình chọn đây là nữ hoàng của cây ăn trái nhiệt đới vì hình dáng đẹp và hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Măng cụt là loài cây thân gỗ khá to với chiều cao trung bình của cây có thể lên tới 10- 12m. Cây có bộ tán khá rộng với lá dày hình thuôn dài, màu sẫm. Điểm thú vị nhất có lẽ là hình dáng khác lạ của trái măng cụt. Trái có dạng cầu tròn, nhỏ hơn trái cam. Tuy nhiên, lớp vỏ của trái măng cụt khá dày và cứng. Vỏ trái khi chín có màu đỏ sẫm bên trong là màu đỏ rượu vang bên ngoài, dày và xốp. Ruột măng cụt có màu trắng chia thành nhiều múi, khi ăn có vị ngọt thanh, hơi chua và hương thơm đặc biệt.

Sau ngày giải phóng bà con xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước đem giống măng cụt về trồng thử, thật không ngờ cây cho trái nhiều, ít sâu bệnh và đặc biệt rất ngon. Đến khoảng năm 2000 cây được nhân giống trồng khá nhiều trên địa bàn huyện. Điển hình như hộ ông Ngô Minh Hòa, xã Tiên Mỹ; đã mạnh dạn trồng 100 cây măng cụt. Sau 7 năm chăm sóc, năm 2017, ông bắt đầu thu hoạch 15 cây ra trái đầu tiên. Đến mùa, thương lái vào tận vườn mua với giá 80 - 130 ngàn đồng/kg, nếu đem ra chợ bán được giá 140- 150 ngàn đồng/kg”. Chỉ với 15 cây này, mỗi năm ông thu được hơn 20 triệu đồng. Đến nay vườn măng cụt của ông đã cho thu nhập cao. Theo ông Hòa, đa số người dân trồng măng cụt xen với các loại cây khác chứ không trồng chuyên canh. Ban đầu, một hai người trồng với số lượng ít. Qua thời gian, thấy loại cây này có giá trị cao nên nhiều người bỏ vốn đầu tư trồng măng cụt với số lượng lớn. Trên địa bàn xã Tiên Mỹ đến nay, có diện tích trồng cây măng cụt lớn với 45ha, trong đó nhiều vườn đã trồng lâu năm. Gia đình ông Huỳnh Bá Viên, thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ, chỉ trồng vài chục cây măng cụt, mỗi mùa trái, bán trọn gói tại vườn cho thương lái, thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Ở xã Tiên Mỹ còn có anh Phạm Huy Tiến, trồng khoảng 100 cây măng cụt, đến nay đã có hơn 10 cây ra trái; Anh Hùng trồng xen 40 cây măng cụt trong khu vườn rộng hơn 5.000m2 cùng với chôm chôm, lòn bon. Nhờ điều kiện đất đai phù hợp, lại được chăm sóc cẩn thận nên vườn măng cụt của anh Hùng, anh Tiến phát triển rất tốt. Vườn ông Đồng Thanh Cường, cũng có khoảng 40 cây măng cụt đang ra trái. Ông Cường cho biết, măng cụt là loại trái cây sạch, ngoài bón phân hữu cơ và tưới nước cho cây, ông không sử dụng bất kỳ loại phân, thuốc nào. Măng cụt ở địa phương ông thường được thương lái mua về bán lại cho khách Tây ở Hội An, Đà Nẵng với số lượng lớn khi chưa bùng phát dịch, bệnh Covid-19. Hiện nay, khách hàng trong nước cũng rất thích trái măng cụt Tiên Phước nên có bao nhiêu bán cũng hết. Theo kinh nghiệm của bà con trồng măng cụt tại xã Tiên Mỹ cho biết, cơn bão số 9 cuối năm 2020 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vườn cây ăn quả ở Tiên Phước thì cây măng cụt có sức chống chịu gió bão tốt, ít bị tác động. Mùa nắng hạn đầu năm 2021 này cây măng cụt cũng có sức chịu đựng tốt nhờ có tán và độ che phủ đất rộng.
 

 

Không riêng xã Tiên Mỹ, bà con các xã khác đã trồng  măng cụt đến nay cho thu hoạch. Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Cây măng cụt phát triển mạnh ở các xã Tiên Châu, Tiên Sơn, Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh, Tiên Lãnh… Năm 2020 toàn huyện có 150ha cây măng cụt, sản lượng đạt 200 tấn, cho doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Mới đây, hưởng ứng chương trình “Tết trồng cây”, người dân thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ được hỗ trợ 3.000 cây giống măng cụt và nhiều loại cây trồng khác để khôi phục diện tích vùng trồng cây ăn quả sau ảnh hưởng của thiên tai. Tiên Phước phấn đấu phát triển diện tích trồng cây măng cụt toàn huyện lên 300ha từ năm 2021 trở đi”.

 Từ khi huyện Tiên Phước triển khai đề án  về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025; huyện đã hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trồng mới và chăm sóc măng cụt cùng các loại cây trồng  khác như tiêu, thanh trà, sầu riêng. Những bà con có kinh nghiệm trồng măng cụt đã chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con mới trồng. Theo đó, măng cụt có thể được nhân giống bằng cách ghép đọt hoặc gieo hạt.  Nhưng phương pháp ghép không đạt hiệu quả cao do cây con có tỉ lệ hao hụt rất lớn; cây ghép cho trái nhỏ và ít hơn so với cây trồng bằng hạt. Về cách trồng măng cụt bằng hạt, cần chọn hạt to, nặng trên 1g từ những trái măng cụt chín. Rửa sạch hạt và gieo vào bầu đất hoặc liếp ươm. Vật liệu của bầu hoặc liếp ươm là tro trấu, bột sơ dừa hoặc cát mịn trộn phân hữu cơ. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm, 20 – 30 ngày sau hạt sẽ nẩy mầm. Khi cây lớn thì chuyển sang bầu lớn. Chú ý không làm tổn thương rễ vì rễ măng cụt không có lông hút và rất yếu. Cây phát triển rất chậm, trung bình 2 tháng măng cụt mới cho 1 cặp lá. Khi đưa măng cụt ra vườn để trồng nên trồng thưa cây cách nhau 7 - 10m do cây măng cụt khi trưởng thành có tán cây lớn, tán lá sum xuê. Trong Kỹ thuật trồng cây măng cụt, khâu chọn đất vô cùng quan trọng. Cây măng cụt có thể sinh trưởng ở nhiều loại đất khác nhau nhưng tốt nhất là đất sét giàu hữu cơ, tầng đất canh tác dày, thoát nước tốt và gần nguồn nước tưới. Hố được đào với kích thước (60 x 60 x 60) cm; bón lót mỗi gốc 5-10 kg phân chuồng hoai mục,0,5kg vôi rồi phơi ải từ 15-20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Trong Kỹ thuật trồng cây măng cụt, khâu chăm sóc rất quan trọng. Măng cụt không chịu được ánh nắng trực tiếp, do đó cần che bóng cho cây trong 4 - 5 năm đầu. Thường xuyên làm cỏ cho cây măng cụt. Khi cành còn nhỏ cần tỉa bỏ các cành vượt, cành đan chéo nhau để tạo tán cho cây cân đối sau này. Khi cây đã cho trái, sau thu hoạch cần tỉa bỏ cành sâu bệnh, giập gãy, cành vượt. Chú ý không tỉa quá nhiều làm cho gốc trơ trụi, ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào gốc sẽ gây hại cho cây. Để tạo tán cho cây lùn và tròn đều thì tiến hành cắt ngọn khi cây cao 8 - 10m. Cần tiếp tục bón cho cây 10- 20kg phân chuồng/năm/cây vào đầu hoặc cuối mùa mưa. Ngoài ra, cần bón thêm phân NPK có hàm lượng N cao để giúp cây tăng trưởng nhanh. Mỗi lượng phân bón có thể gia giảm tùy thuộc vào tán cây, vào tình trạng sinh trưởng của cây, cây càng lớn lượng phân bón ngày càng tăng, năm trúng mùa bón nhiều hơn năm thất mùa. Nếu cây phát triển chậm thì tăng cường thêm phân Urê. Cây măng cụt cho trái khi cây trồng 8 - 10 tuổi hay lâu hơn nữa tuỳ vào phương pháp chăm sóc, nhưng bù lai cây có thể cho trái hiệu quả đến  40- 50 năm. Những hộ gia đình chủ động được nguồn nước tưới, bà con nên chia nhỏ số lần bón phân để cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất. Chia làm 4 - 6 lần trong năm tùy vào sức khỏe và độ tuổi cây trồng mà căn lượng bón cho phù hợp.

          Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, cộng với thổ nhưỡng phù hợp nên cây măng cụt trồng trên đất xứ Tiên đã ngày càng khẳng định tiềm năng, hiệu quả kinh tế. Phát triển cây măng cụt sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công Đề án  về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025./.

Tác giả: Trần Hữu Phước

Các tin khác
Xem tin theo ngày