Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.520.914
Truy cập hiện tại 5.913
Huổi Luông phát triển kinh tế
Ngày cập nhật 25/11/2021

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa thị trường; đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ đang là hướng đi trong phát triển kinh tế ở xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ). Qua đó, xã phấn đấu đạt thu nhập bình quân 38 triệu đồng/người/năm vào cuối năm nay.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng A Dọ - Chủ tịch UBND xã Huổi Luông cho biết: Cây chuối được coi là cây chủ lực của địa phương, mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, có khoảng 100ha cây chuối bị bệnh, năng suất kém. Trước tình hình đó, xã chỉ đạo các bản đôn đốc Nhân dân chặt bỏ chuối bị bệnh chuyển sang trồng nghệ, ngô, sắn để cải tạo diện tích đất bạc màu. Cùng với đó, mở rộng diện tích trồng cây xoài tập trung; trồng quế. Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu làm đất, thu hái nhằm tăng năng suất cây trồng, giảm sức lao động. Năm nay, xã trồng được 850ha ngô, tăng 240ha so với kế hoạch; 100ha nghệ, hơn 100ha sắn, 38ha xoài, 36ha quế.

Bên cạnh đó, xã tuyên truyền, vận động bà con đưa các giống lúa có chất lượng vào gieo cấy; chuyển đổi phương thức canh tác lạc hậu sang chăm sóc theo khoa học, sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ kết hợp vô cơ nhằm đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao; tiếp tục chăm sóc, duy trì khai thác trên 786ha chuối thương phẩm; chăm sóc, bảo vệ 123ha cây cao su. Hiện, toàn xã gieo cấy 336ha lúa mùa, 1ha lúa đông xuân, năng suất đạt gần 50 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực có hạt trên 5 nghìn tấn. Tổng diện tích cây ăn quả gần 950ha, trong đó có hơn 893ha cho sản phẩm với năng suất 12,22 tấn/ha.

Vườn nghệ của hộ dân ở xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ).

Chúng tôi đến thăm một số bản trên địa bàn xã. Hiện nay, người dân đang tranh thủ thời tiết khô ráo bắt đầu thu hoạch sắn và nghệ. Anh Lý A Tro (ở bản Hồ Thầu) cho biết: Bản tôi trồng được gần 40ha sắn, hơn 10ha nghệ. Thời điểm này, một số hộ trồng sắn sớm đang bắt đầu thu hoạch bán cho hợp tác xã, sắn 2 năm bán được hơn 1.600 đồng/kg tươi, tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với mọi năm; giá sắn 1 năm cao hơn trên 2.000 đồng/kg tươi. Như gia đình tôi năm ngoái bán được 30 triệu đồng tiền sắn, 50 triệu đồng tiền nghệ. Mọi người ai cũng hy vọng năm nay giá sắn, nghệ cao, cộng thêm năng suất cây trồng cao, bà con có thu nhập ổn định cuộc sống trong mùa dịch Covid-19 không đi làm thuê được.

Mấy năm trở lại đây, giao thông được đầu tư kiên cố hóa nên việc đi lại, giao thương hàng hóa giữa xã với trung tâm huyện, các xã lân cận dễ dàng hơn. Vì thế, hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng xuất hiện nhiều hơn nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Ngay từ trung tâm xã, vào mỗi sáng sớm hay chiều tối, bà con các bản mang những mặt hàng nông sản như: rau củ; hoa quả, lạc, đậu tương, măng… ra bán; vừa có thêm thu nhập, vừa nâng cao trình độ dân trí qua giao tiếp, buôn bán. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống ngày càng nhiều. Chỉ đếm dọc tuyến từ trường THCS về đến trung tâm xã có hơn 10 cửa hàng tạp hóa và ăn uống với quy mô nhỏ và vừa.

Chị Trần Thị Mừng (ở bản Pô Tô) chia sẻ: Cửa hàng tạp hóa của gia đình tôi bán đầy đủ các mặt hàng từ bánh kẹo; sữa; quần áo, đồ gia dụng, đồ điện cho đến thực phẩm tươi sống. Đặc biệt, mấy năm gần đây, khi hoạt động giao thương với bên phía nước bạn qua chợ phiên Củ Cải bị cấm, Nhân dân chuyển sang mua sắm hàng Việt nhiều hơn; sức mua cũng lớn hơn trước. Vì vậy, vợ chồng tôi nhập nhiều mặt hàng đa dạng mẫu mã, chủng loại, giá thành để bà con lựa chọn phù hợp với túi tiền của mình. Một năm, bình quân, vợ chồng tôi thu lãi từ cửa hàng khoảng 50 triệu đồng.

Được biết, xã Huổi Luông có 21 bản, 1.442 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông cùng sinh sống. Hiện tại, xã có khoảng 20 hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Để thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ phát triển, xã tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục liên quan đến giấy tờ đăng ký kinh doanh; khuyến khích các hộ dân có điều kiện, nhu cầu mở cửa hàng tạp hóa, kinh doanh nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, xã chú trọng phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng hàng hóa thị trường có kiểm soát dịch bệnh. Khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại kiên cố; vừa bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão, vừa tránh trộm cắp và dịch bệnh có thể xảy ra. Chỉ đạo cán bộ thú y phối hợp với các bản đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức, chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét; tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm. Đến thời điểm này, toàn xã có gần 3 nghìn con gia súc; tổng đàn gia cầm trên 17 nghìn con.

Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhưng chính quyền và Nhân dân xã Huổi Luông đã kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tin rằng, với sự nỗ lực đó, xã sẽ đạt và vượt kế hoạch mục tiêu về thu nhập bình quân năm 2021; góp phần duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Đinh Đông

baolaichau.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày