Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.599.742
Truy cập hiện tại 7.123
Cán bộ Mặt trận phải gần dân, thấu hiểu dân
Ngày cập nhật 12/08/2019

 

15:12 | 14/01/2019


 
Đó là khẳng định của ông Lâm Mây - Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước), Bí thư Chi bộ ấp Sóc Lớn (xã Lộc Khánh) khi tâm sự với chúng tôi. 
Hơn 10 năm làm công tác Mặt trận là chừng ấy năm ông làm việc hết mình, cống hiến cho sự phát triển của quê hương. Với người cán bộ Mặt trận đầy nhiệt huyết ấy, bí quyết cho mọi thành công trong công việc chính là sự gần gũi, gắn bó và thấu hiểu người dân.
Ông Lâm Mây (bên trái) hỗ trợ bà con tín đồ Phật tử ấp Sóc Lớn chuẩn bị nghi lễ Vu lan báo hiếu của người đồng bào Kh’mer
Ông Lâm Mây (bên trái) hỗ trợ bà con tín đồ Phật tử ấp Sóc Lớn chuẩn bị nghi lễ Vu lan báo hiếu của người đồng bào Kh’mer

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với ông Lâm Mây là sự cởi mở, gần gũi, thân thiện. Với cương vị là Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Lộc Khánh, ông luôn nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình, để từ đó góp phần cùng tập thể xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Theo ông Lâm Mây, đặc thù của cán bộ Mặt trận là làm công tác phong trào, tuyên truyền, vận động nhân dân là chính. Do vậy, ngoài năng lực chuyên môn, cán bộ Mặt trận cần có kỹ năng truyền đạt các vấn đề để người nghe dễ tiếp thu, dễ đồng thuận. Điều này đòi hỏi người cán bộ phải am hiểu tường tận vấn đề và thực sự tâm huyết, trách nhiệm.

Xã Lộc Khánh nói chung và ấp Sóc Lớn nói riêng là địa bàn sinh sống chủ yếu của người đồng bào Kh’mer. Ấp có 338 hộ dân với gần 1.200 người sinh sống, trong đó người đồng bào Kh’mer chiếm hơn 90% dân số. Đồng thời, đây cũng là cái nôi văn hóa của người Kh’mer trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, đậm đà bàn sắc dân tộc như: lễ Xuống đồng, lễ Vu Lan báo hiếu (Sen Đôn Ta), Phật Đảng, Dâng y Kathina, lễ Tết cổ truyền, lễ Chol Chnăm Thmây… và rất nhiều nghi lễ khác của người đồng bào Kh’mer. Bên cạnh đó, nơi đây có chùa Sóc Lớn là Di tích văn hóa lịch sử của tỉnh Bình Phước. Ngôi chùa là nơi nuôi giấu nhiều thế hệ lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ.

Nhiều năm trước, người dân ấp Sóc Lớn có trình độ dân trí còn thấp và phong tục tập quán canh tác còn lạc hậu. Vì vậy, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các hủ tục mê tín dị đoan còn tồn tại rất nhiều trong đời sống tâm linh của bà con. Bản thân cũng là người đồng bào Kh’mer, lại là cán bộ xã vì vậy ông Lâm Mây rất trăn trở việc giúp bà con cải thiện cuộc sống, xóa bỏ các phong tục lạc hậu. Thấu hiểu cái khó của bà con nhân dân nơi đây, ông đã luôn kiên trì gần gũi nhân dân để làm công tác tuyên truyền vận động. Với sự kiên trì, nỗ lực trong một thời gian dài, công tác tuyên truyền vận động của ông Lâm Mây cũng dần dần được bà con hiểu. Để bà con tin theo, bản thân ông luôn đi đầu trong mọi phong trào, từ việc tự phấn đấu phát triển kinh tế cho đến các hoạt động xã hội.

Ông Lâm Mây chia sẻ: “Để làm cho bà con hiểu và nghe theo mình, trước tiên phải gần gũi với nhân dân và đi đầu noi gương trong các hoạt động. Khi bà con đã hiểu, đã thông thì họ luôn luôn nghe mình nói và đồng tình tham gia hưởng ứng rất cao. Như Bác Hồ đã dạy, làm việc gì thì cũng phải lấy dân làm gốc, vì lợi ích nhân dân. Làm cán bộ địa phương cơ sở thì mình phải lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho mình, có như vậy mọi việc mới được dân ủng hộ”.

Trước đây việc canh tác cây lúa của bà con địa phương chỉ sản xuất một vụ theo hướng lạc hậu, năng suất thấp, cộng với việc tồn tại nhiều thủ tục mê tín dị đoan nên đời sống nhân dân phần lớn còn nghèo khó… Nhờ sự vận động của ông Lâm Mây, đến nay, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, một năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ; phong tục mê tín dị đoan cơ bản đã xóa bỏ; con em được học hành, đời sống nhân dân ngày một ổn định và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Có được tất cả điều đó là nhờ vào sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự năng nổ, nhiệt tình, tận tụy của cá nhân ông Lâm Mây. Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình vận động, tuyên truyền, ông Lâm Mây cho rằng, với mỗi đối tượng, ông đều có kế hoạch và cách thuyết phục riêng. Phải nắm bắt tình hình thực tế của mỗi hộ gia đình để có cách vận động, tuyên truyền hợp lý. Vì luôn gần gũi nhân dân, ông Lâm Mây rất được bà con nơi đây tôn trọng và quý mến.

Khi nhận xét về người cán bộ Mặt trận Lâm Mây, Già làng Lâm Quynh (86 tuổi đời với 55 tuổi Đảng) cho biết: “Lâm Mây là cán bộ người đồng bào Kh’mer tiêu biểu, mẫu mực của địa phương chúng tôi. Lâm Mây rất gần gũi, nhiệt tình hỗ trợ giúp đỡ bà con nhân dân mọi lúc mọi nơi. Ngày xưa bà con ở đây rất nghèo, khó khăn, luôn sống theo lối mê tín dị đoan. Nhờ Lâm Mây kiên trì tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu và làm theo mà đời sống bà con nay khác xưa nhiều rồi, ai cũng có cái ăn, cái mặc, con cháu được học hành đầy đủ. Bà con nhân dân ở đây rất quý và tin tưởng ông lắm”.

Hiện nay, ấp Sóc Lớn có 12 đảng viên, trong đó 11 đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò Bí thư Chi bộ ấp Sóc Lớn, hàng tháng Lâm Mây luôn duy trì tổ chức họp Chi bộ đúng định kỳ và triển khai các chương trình kế hoạch của địa phương thông qua tổ chức Đảng. Vì vậy, công tác tuyên truyền vận động quần chúng trở nên hiệu quả hơn so với trước. Bản thân ông luôn đi đầu và phối hợp với các cơ quan đoàn thể triển khai mọi hoạt động. Nhờ được bà con tin tưởng quý mến mà các phong trào như: xây dựng Nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, toàn dân đoàn kết chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc… của địa phương, chỉ cần ông Lâm Mây vận động là bà con nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.

Bí thư Đảng bộ xã Lộc Khánh Nguyễn Văn Lụa cho biết: “Lâm Mây là đảng viên người đồng bào Kh’mer gương mẫu và gần gũi nhân dân. Từ năm 2002 là một cán bộ đoàn xã, đến nay đã trở thành một cán bộ chủ chốt của địa phương chúng tôi. Trong quá trình công tác và phấn đấu, Lâm Mây đã đóng góp nhiều công lao trong việc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Lâm Mây luôn gần gũi nhân dân, giúp dân hiểu và làm theo các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước ở địa phương”. 

 

 

 

 
 

 

Theo báo khoa học thời đại
Các tin khác
Xem tin theo ngày