Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.552.325
Truy cập hiện tại 5.027
Yêu Huế như BAVH
Ngày cập nhật 16/10/2019

Cập nhật: Ngày 16/10/2019

TTH - Tác phẩm “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” của Léopold Michel Cadière và Edmond Gras, bản dịch tiếng Việt và chú giải của Lê Đức Quang được Viện Pháp tại Huế ra mắt bạn đọc tối 9/10/2019, không chỉ là sự kiện văn hóa của vùng đất mà còn khiến bao người nhớ lại BAVH.

  •  

Bìa sách Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế. Ảnh: TL

Cách đây 105 năm, chính Linh mục Léopold Michel Cadière là người đã đề xuất thành lập Hội “Những người bạn Cố đô Huế”. Qua 30 năm tồn tại (1914 - 1944), hội đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong dòng chảy văn hóa Huế với tập san “Những người bạn Cố đô Huế” (gọi tắt là BAVH) đồ sộ và công phu, được độc giả khắp Đông Dương thời đó đón nhận. “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” là một ấn phẩm đặc biệt của BAVH (số 1/1919).

“Những người bạn Cố đô Huế” là hội của những người bạn thông thái. Nhìn vào danh sách hội viên mới thấy sự đa dạng của những người yêu mến Huế. Đó có thể là giáo sư, linh mục đến viên đại úy bộ binh, dược sĩ, hành chính dân sự, đại diện thương mại, chủ sự kho bạc... Tất cả đã làm nên một diễn đàn tri thức tràn đầy lòng yêu mến và sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho vùng đất Huế.

Yêu mến Huế, “Những người bạn Cố đô Huế” làm tập san BAVH, ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục với khoảng 13.000 trang viết, 2.800 phụ bản, 700 bảng khắc. Gần 20 năm trước, Nhà xuất bản Thuận Hóa đã dịch và lần lượt xuất bản. Giá trị công trình mà Léopold Michel Cadière và cộng sự để lại không những là nguồn tư liệu quý hiếm mà còn có khả năng soi sáng những vấn đề tồn đọng của lịch sử, văn hóa, địa lý, du lịch rất có ích cho công tác nghiên cứu và học hỏi.

Trăn trở và luôn tìm cách giữ gìn giá trị văn hóa Huế là điều mà gần một thế kỷ qua chúng ta đã làm. Thế nhưng, những gì mà “Những người bạn Cố đô Huế” để lại vẫn là tượng đài khó vượt. Ngoài tập san BAVH, hội đã tích cực xúc tiến thiết lập một thư viện và bảo tàng đầu tiên về Huế; dựng bia tưởng niệm, thực hiện những sưu tập ảnh hay tranh in. Hội còn ủy thác và hỗ trợ các công trình của hội viên để công bố trên tập san. Những cuộc du lãm sưu tầm nghiên cứu cũng được tổ chức. Hội còn đề nghị “Một chương trình giáo dục mỹ thuật An Nam” để phục hưng các giá trị truyền thống nghệ thuật.

Một trong số rất nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế của Hội “Những người bạn Cố đô Huế” mà trực tiếp là Léopold Cadière, R.Orband, Gras... là tham gia tích cực vào việc phát triển hoạt động du lịch Huế bằng cách đứng ra xin thành lập ở Huế một phái đoàn quảng cáo cho du lịch. Đều đặn trên các số, BAVH dành chuyên mục“Huế đẹp” để ca ngợi sắc thái kỳ diệu, cuốn hút của cảnh Huế, con người Huế... BAVH cũng giới thiệu góc nhìn thú vị của những người phương Tây qua chuyên mục “Những người Âu châu đến Huế - Xưa”.

Nhân câu chuyện về BAVH, TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế nêu ý tưởng về việc cần thiết thành lập một tổ chức tập hợp những người có tri thức và tấm lòng vì Huế cùng với việc xây dựng một quỹ văn hóa Huế. Chuyện về chiếc xe kéo của mẹ vua Thành Thái trở về Hoàng cung Huế thông qua cuộc đấu giá ở Pháp cách nay 5 năm là một gợi ý. Ngoài Đại Nội và các công trình kiến trúc, Thừa Thiên Huế vẫn còn có đền đài, miếu mạo mang dấu văn hóa lịch sử ở các thôn, làng. Nó cần sự quan tâm đầu tư và sửa chữa.

Tôi nghĩ, đó là cách “yêu Huế như BAVH”, không chỉ trân trọng mà còn tìm cách gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa Huế bằng những việc làm thiết thực, khoa học với tấm lòng thành.

 

Đan Duy-thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày