Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.545.991
Truy cập hiện tại 1.278
Bình đẳng trước pháp luật
Ngày cập nhật 31/10/2019

TTH - Xây dựng Nhà nước pháp quyền là điều chúng ta thường hay nghe nói. Còn đạt được trình độ Nhà nước pháp quyền hay không lại là chuyện khác.

Công trình Panorama ở Mã Pí Lèng được xây dựng không phép. Ảnh: Internet

Nhà nước pháp quyền, hiểu nôm na là một Nhà nước vận hành bằng luật, thượng tôn pháp luật, không ai được “đứng trên” pháp luật. Muốn vậy, hệ thống luật phải được xây dựng hoàn chỉnh, đảm bảo điều chỉnh mọi mặt của đời sống xã hội.

Cuộc sống chẳng bao giờ đứng yên mà luôn thay đổi, luôn có những điều mới mẻ phát sinh, cho nên luật cũng phải được thường xuyên bổ sung, sửa đổi. Hiểu như vậy để thấy rằng, Nhà nước pháp quyền là một khái niệm “động” chứ không phải tĩnh. Ví dụ như cách đây hơn chục năm, không ai hình dung được mạng xã hội ra đời và có tác động mạnh mẽ như thế nào đến đời sống. Làm sao xây dựng luật trên cái mà chúng ta chưa hình dung được. Năm 2018 thì đã có Luật An ninh mạng.

Điều chúng ta cần bàn là việc một xã hội thực thi pháp luật như thế nào.

Thực tế ở nước ta, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả chưa cao. Từ cái chuyện nhỏ nhất như thả vật nuôi chạy rông. Lâu lâu nghe chuyện chó cắn chết người thì dư luận rộ lên, rồi rơi vào im lặng. Tình hình không hề cải thiện trong thực tế.

Chuyện “động trời” hơn là cả một dự án mua bán lên đến gần ngàn tỷ đồng trái quy định nhưng vẫn thực hiện “trót lọt”. Nhiều nơi xây dựng công trình hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn chưa được cấp phép…

Gần đây nhất là chuyện một nhà hàng 7 tầng xây dựng không phép trên Mã Pí Lèng (Hà Giang). Một công trình thương mại phức hợp ở Đồng Nai gần ngàn tỷ đồng xây dựng không phép. Rồi việc xây dựng trái phép trên đèo Hải Vân, trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)… Cứ vào công cụ tìm kiếm với từ khóa "xây dựng không phép" thì sẽ cho ra hàng loạt vụ từ Bắc chí Nam.

Việc buông lỏng quản lý gây ra nhiều hệ lụy, nhưng có hai hệ lụy nghiêm trọng nhất là mất niềm tin của người dân vào bộ máy quản lý Nhà nước. Một hệ quả kéo theo là gây thất thoát tiền của xã hội. Xây dựng không phép mà giờ cấp phép cho tồn tại là phá vỡ nguyên tắc nghiêm minh của pháp luật. Đập bỏ là gây thất thoát tiền của xã hội.

Có một vấn đề cũng cần được giải thích, đó là vì sao nhà đầu tư bỏ ra “cả đống tiền" để xây dựng trái phép mà họ không sợ rủi ro – rủi ro pháp lý? Chắc chắn họ tin tưởng vào một điều nào đó – ví dụ như vào lời hứa của chính quyền, vào sự làm ngơ của chính quyền. Hoặc họ tin được “bảo kê” nên khó có thể ai đụng vào được!

Những công trình lớn như vậy không thể nói là chính quyền không biết. Vậy thì có thể hiểu chính quyền đã làm ngơ. Quản lý xã hội là từ chính quyền thông qua luật. Chính quyền “làm ngơ” thì điều gì xảy ra trong xã hội chúng ta có thể hiểu được.

Những vụ xây dựng trái phép “khổng lồ” được phát hiện là dịp để chính quyền các cấp soát xét lại công tác quản lý, cụ thể ở đây là quản lý đất đai.

Một nguồn lực lớn của quốc gia phải được quản lý chặt chẽ, không thể để xảy ra tình trạng xà xẻo như vậy được. Quản lý không tốt, nghĩa là làm phung phí, yếu đi nguồn lực của đất nước…

Khi vụ việc sai trái được phát hiện là phải được xử lý đến nơi đến chốn, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Không thể xây dựng trái phép trên Mã Pí Lèng, thì có người bảo nên sửa chữa, bổ sung kiến trúc cho hài hòa với thiên nhiên; một mặt nào đó cũng đáp ứng nhu cầu du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân… Chúng ta nên hiểu rằng, vi phạm pháp luật và công ăn việc làm là hai việc khác nhau. Không làm việc này thì có thể làm việc khác nhưng luật thì chỉ có một.

Hướng đến một Nhà nước pháp quyền nghĩa là một mặt luôn luôn bổ sung hoàn chỉnh luật, nhưng mặt khác, phải thực thi nghiêm minh pháp luật. Đã luật là bình đẳng với mọi người.

nguồn: baothuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày