Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phát triển kinh tế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Ngày cập nhật 08/07/2021

TTH - Bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) huyện Phú Lộc, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã tổ chức sản xuất các mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế.

 

Lãnh đạo HND tỉnh kiểm tra mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng ở Vinh Mỹ

Ổn định cuộc sống từ các mô hình mới

Trong lúc đang gặp khó khăn về vốn nuôi cá lồng thì bà Tịnh Thị Trang ở xã Vinh Hiền được Hội Nông dân (HND) huyện Phú Lộc triển khai cho vay vốn từ Quỹ HTND để phát phát triển sản xuất. Bà Trang cùng với 19 hộ ở địa phương được vay 600 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi cá nước lợ, nâng số hộ nuôi cá lồng toàn xã lên 387 hộ với 1.600 lồng.

Khi dự án (DA) triển khai cũng là lúc thời tiết diễn biến phức tạp, thất thường khiến nguy cơ rủi ro, cá chết rất cao. Ban Quản lý Quỹ HTND huyện kịp thời đề xuất Quỹ HTND tỉnh gia hạn thời gian vay thêm 1 năm, miễn lãi suất trong 6 tháng tiếp theo. Từ đó, mô hình tiếp tục phát triển hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ vay.

Cùng thời điểm, 10 hộ dân ở xã Vinh Mỹ vay 500 triệu đồng triển khai DA nuôi cá chình thương phẩm. Từ những hộ chuyên đánh bắt thủy sản, trồng trọt giờ có thêm mô hình nuôi cá chình mang lại nguồn thu nhập mỗi năm trên dưới 50 triệu đồng/hộ. Đến nay, toàn xã Vinh Mỹ có 62 hộ nuôi cá chình với diện tích gần 2 ha, sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 10 tấn/ha, cho thu nhập 5 tỷ đồng/ha.

Bằng nguồn vốn cho vay từ Quỹ HTND, tại xã Vinh Mỹ còn có 7 hộ vay 400 triệu đồng nuôi cá lóc đầu nhím. Từ các hộ nuôi ban đầu, đến nay tại xã Vinh Mỹ có đến 35 hộ nuôi với diện tích 1,6 ha. Bình quân mỗi hộ thu nhập 30-50 triệu đồng/năm từ nuôi cá lóc đầu nhím.

Cũng từ nguồn Quỹ HTND huyện, tại xã Lộc Thủy có 10 hộ vay 500 triệu đồng phát triển vùng nguyên liệu và tinh chế dầu tràm. Đến nay, trên địa bàn xã Lộc Thủy nhân rộng mô hình trồng tràm nguyên liệu gần 20 ha. Có điều kiện về vốn, người dân đầu tư xây dựng lò chưng cất dầu tràm, sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể. Có đầu ra ổn định, người dân có nguồn thu nhập từ sản xuất nguyên liệu và tinh chế dầu tràm.

Thấy được hiệu quả từ nguồn Quỹ HTND, mới đây 8 hộ ở xã Xuân Lộc vay 300 triệu đồng triển khai mô hình trồng cau cao sản, nâng số hộ trồng cau trên địa bàn lên gần 100 hộ với diện tích 23 ha. Bình quân mỗi năm cho thu nhập 30 triệu đồng/hộ. Tại xã Giang Hải có 10 hộ vay 300 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi thủy sản xen ghép, bình quân mỗi hộ lãi 50-70 triệu đồng/hộ…

Cá chình thương phẩm ở Vinh Mỹ sắp thu hoạch

Nhiều DA được triển khai

Theo bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc, huyện được thiên nhiên ưu đãi, đất đai phù sa, với nhiều tiềm năng từ vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tận dụng và phát huy lợi thế, HND huyện tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các đối tượng mới vào sản xuất, phù hợp với nhu cầu thị trường. Các mô hình nuôi cá chình, lóc đầu nhím, nuôi xen ghép, trồng cau, chế biến tinh dầu tràm… thật sự mang lại hiệu quả.

Các DA từ Quỹ HTND còn thúc đẩy việc thành lập các loại hình hợp tác sản xuất, trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế. Tính riêng năm 2020, toàn huyện thành lập một HTX lâm nghiệp, 15 tổ hội, một tổ hợp tác và một chi hội nghề nghiệp. Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bà Ái Thụy thông tin, các chi, tổ hội tổ chức sinh hoạt định kỳ với các chủ đề tập trung vào việc chăm sóc, biện pháp phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuât chăm sóc cây trồng, vật nuôi có hiệu quả; chia sẻ kinh nghiệm thực tế, nhận định giá cả thị trường tại từng thời điểm để tổ chức, liên kết cùng mua vật tư đầu vào, kế hoạch thu hoạch, lựa chọn đối tác tiêu thụ sản phẩm...

Các cấp HND trên địa bàn huyện phối hợp với các ban, ngành chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, chọn DA phù hợp với hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của từng vùng, cho vay đúng đối tượng. HND huyện tổ chức tập huấn cách quản lý, sử dụng vốn vay và chuyển giao KHKT cho hội viên để vận dụng vào sản xuất. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần  nâng cao đời sống cho hội viên nông dân.

Đến nay, nguồn vốn từ Quỹ HTND huyện Phú Lộc quản lý hơn 4,3 tỷ đồng, triển khai 13 DA với 105 hộ vay. Trong đó, nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương 1,6 tỷ đồng/4 DA; nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh hơn 2,3 tỷ đồng/7 DA; nguồn vốn Quỹ HTND của huyện 390 triệu đồng/2 DA…

Bài ảnh: Triều Thụy

 

Thừa thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.532.498
Truy cập hiện tại 9.955