Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.532.498
Truy cập hiện tại 14.096
Không cam chịu thất bại
Ngày cập nhật 30/12/2019

TTH - Anh Nguyễn Văn Rom, người dân tộc Tà ôi (A Lưới) không chịu lùi bước trước thất bại, với ý chí và nghị lực, anh đã làm nên điều tưởng chừng như không thể...

 

Anh Nguyễn Văn Rom hạch toán doanh thu mỗi năm của gia đình gần 2 tỷ đồng

Gian nan lập nghiệp

Anh Nguyễn Văn Rom, tên thật là Nguyễn Văn Phùng, 56 tuổi, quê ở xã Hồng Thái, huyện A Lưới.

Lập gia đình từ năm 28 tuổi, lúc đó vợ chồng anh chỉ hai bàn tay trắng, với căn nhà tạm vách phên tre, mái lợp tranh. Số tiền ít ỏi dành dụm sau khi cưới, vợ chồng anh mở quán nhỏ bán hàng lặt vặt đắp đổi qua ngày.

Năm 2004, khi địa phương có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, anh bàn với vợ đăng ký xin nhận một số diện tích đất hoang hóa, lau lách trong vùng để khai hoang trồng rừng tìm hướng làm ăn.

Được chính quyền địa phương quan tâm, vùng đồi núi trước đây nhắc đến ai cũng sởn gai ốc vì sự hoang vu, cằn cỗi được anh từng bước phục hóa trồng rừng kết hợp trồng sắn cao sản. Lấy ngắn nuôi dài, sau khi thu hoạch sắn, trừ chi phí, anh tiếp tục đầu tư phát triển diện tích rừng. Cứ thế, gần 30ha đất lau lách không có lối vào, rừng núi hoang vu hiểm trở, dưới bàn tay anh đã trở thành khu rừng trồng kinh tế và sắn cao sản.

Anh Nguyễn Văn Rom (đứng ghi sổ) thu mua sắn nguyên liệu cho bà con trong vùng

Khó khăn dần qua đi. Sau thu hoạch rừng, vợ chồng anh cầm trong tay khoản tiền hơn 200 triệu đồng. Chưa bao giờ anh dám mơ có số tiền lớn như vậy. Tuy nhiên, điều không may đã xảy đến. Một đêm, trộm đột nhập vào nhà. Bao vốn liếng, tiền bạc dành dụm của gia đình đã bị lấy sạch. Anh trở lại vạch xuất phát với hai bàn tay trắng...

Bắt tay làm lại từ đầu, anh thế chấp số diện tích rừng mới tái đầu tư hơn 1 năm tuổi để vay vốn chuyển hướng sang kinh doanh sắt, thép phế liệu. Thấy thuận lợi, anh dốc vốn đầu tư máy móc, thuê nhân công, ứng tiền trước cho các cơ sở thu mua.

Giai đoạn này, anh vừa phát triển rừng trồng kết hợp đầu tư chăn nuôi bò, dê, vừa mở rộng kinh doanh sắt thép phế liệu. 5 giờ sáng, anh tất tả vượt đồi núi lên rừng, chiều tối lụi cụi về đến nhà lại lo việc gom sản phẩm ở các cơ sở đã ứng tiền trước.

Những tưởng sóng gió đã đi qua, nhưng chưa được bao lâu thì bao nhiêu vốn liếng anh đầu tư cũng trôi theo với sự ra đi của các cơ sở thu mua mà anh đã hợp tác. Quá cay đắng, với những gì còn lại là các thiết bị đem bán chỉ được vài triệu đồng.

Cái khó ló cái khôn

Trước hoàn cảnh ngặt nghèo, anh Rom nghĩ, chỉ còn cách bán hết rừng, bò, dê… để trả nợ, rồi vợ chồng lại mở quán nhỏ đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi anh lại nghĩ, bao nhiêu năm gian khổ, từ những diện tích hoang hóa, lau lách trở thành khu rừng kinh tế, những đồi sắn cao sản, bán đi cũng không đành.

Cái khó ló cái khôn, đúng lúc này, công trình Thủy điện A Lưới được khởi công tại khu vực xã Nhâm, anh Rom nghĩ ngay đến việc cung ứng dịch vụ ăn uống phục vụ cho đội ngũ công nhân, kỹ thuật thi công công trình này. Nghĩ là làm, khu đất trống hoang hóa gần chân công trình được anh thuê lại làm mặt bằng mở hàng quán kinh doanh đủ thứ từ cà phê, nước giải khát, cơm, cháo… Việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, tiền thu được anh lại tái đầu tư vào rừng và trồng trọt, chăn nuôi theo hướng trang trại, sản lượng sắn cao sản của anh ngày càng tăng lên.    

Đến năm 2014, sau khi tích lũy lại vốn liếng, lúc này anh mở rộng đầu tư cho bà con ở 3 xã (Nhâm, Hồng Thái và Hồng Quảng) phát triển sản xuất cây sắn cao sản.

Anh mạnh dạn ứng tiền thuê nhân công, mua phân bón, thuốc phòng trừ dịch bệnh để bà con sản xuất, sau đó tiến hành thu mua sản phẩm sắn cho bà con. Với việc làm tiên phong này, anh là cơ sở đảm bảo đầu ra cho cây sắn cao sản của người dân trong vùng với diện tích hàng ngàn ha ở 3 xã, trở thành đối tác chiến lược của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn tỉnh. “Mỗi năm tôi cung ứng cho nhà máy từ 3-4 nghìn tấn sắn nguyên liệu”, anh Rom chia sẻ.

Không chịu lùi bước trước thất bại, với ý chí và nghị lực, anh đã làm nên điều tưởng chừng như không thể, nhất là đối với một người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới. Niềm say mê rừng, say mê mở lối làm ăn cho bà con, say mê hồi sinh cho những vùng đất nghèo cằn cỗi đã thắp lên quyết tâm mãnh liệt trong anh.

Mảnh đất hoang hóa thuê làm mặt bằng mở hàng quán ở xã Nhâm ngày nào đã được anh mua lại, trở thành nơi đặt một đại lý tạp hóa, cung ứng nguồn hàng cho các điểm kinh doanh của bà con khắp địa bàn 3 xã Nhâm, Hồng Thái và Hồng Quảng.

Anh Nguyễn Văn Rom không giấu diếm: “Doanh thu mỗi năm của gia đình tôi gần 2 tỷ đồng. Trong đó, riêng cung ứng sắn nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn mỗi năm cũng đã thu hơn 1,5 tỷ đồng…”.

Có nguồn thu, anh đã cất được căn nhà bề thế, trang bị các vật dụng đắt tiền. Vợ chồng anh còn có nhiều cơ sở đất đai ở các xã Nhâm, Hồng Thái và thị trấn A Lưới, tạo thêm điều kiện phát triển kinh tế cho gia đình... Đó là thành quả mà tỷ phú đại ngàn Nguyễn Văn Rom đã tạo dựng từ mồ hôi, công sức, ý chí của mình, trở thành tấm gương dám nghĩ, dám làm đối với đồng bào vùng cao A Lưới.

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày