Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.532.498
Truy cập hiện tại 11.613
Vượt trên cả giá trị kinh tế…
Ngày cập nhật 02/01/2020

- Cái thuở hàn vi chỉ cần no bao tử đã trở thành quá vãng, nay là cái thời ăn phải ngon lành, chơi phải tinh tế. Những nguồn gen “lai kinh, tiến vua” lưu lại được hoàn toàn có thể đáp ứng cái tiêu chí cao sang ấy…

Ngay cả trong mỹ phẩm, phấn nụ Huế bây giờ được nữ giới tin dùng

Cũng như mọi con dân nước Việt, cái tin gạo ST25 của Việt Nam được vinh dự trao giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại cuộc thi World’s Best Rice do The Rice Trader tổ chức tại Philippines bay về đã làm tôi sướng vui tự hào khôn tả. Phải như vậy chứ, bao nhiêu năm ở vào vị thế cường quốc xuất khẩu lúa gạo, nhưng gạo Việt Nam ra thị trường, vì lý do chất lượng, lại thường kém sức cạnh tranh, giá thấp hơn gạo của Thái Lan, Ấn Độ… là điều thật khó chấp nhận. Rồi ngay cả thị trường nội địa, trong khi mình là quốc gia xuất khẩu gạo, nhưng người trong nước thì lại đi tìm gạo nhập khẩu để ăn. ST25 có thể là cột mốc, là bước ngoặt quan trọng để chúng ta thoát khỏi cái cảnh “trớ trêu” ấy.

Nơi từng là cánh đồng An Cựu nổi tiếng với gạo de

Trong lâng lâng niềm vui mang tên ST25, tôi lại vẩn vơ nhớ về chuyện Huế quê tôi cũng đã từng có một loại gạo cực kỳ nổi tiếng có tên là gạo de. Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi/ Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già. Loại gạo này nghe nói là rất trắng, rất dẻo thơm thường chỉ dành để tiến vua. Đó là nghe nói vậy chứ thơm ngon đến mức nào thì dân bá tánh lại là lớp hậu sinh như chúng tôi làm gì có phúc phần để mà được trải nghiệm? Ngay cả các bậc lão niên cũng nào đã mấy ai được ăn thử thứ gạo quý ấy, bởi lẽ sau thời quân chủ, gạo de gần như mất giống. Nghe đồn chỉ có bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng thái hậu) là còn giữ được một ít. Đến ngày húy kỵ tiên đế, bà mới nấu một om nhỏ dâng cúng (?)

Tại sao một giống lúa quý như thế mà lại bị thất truyền? Chưa thấy ai lý giải, nhưng theo thiển nghĩ của chúng tôi, thời gian chăm sóc quá dài, năng suất thấp, trong lúc nhu cầu lương thực cho xã hội trong những năm đầy biến động lịch sử sau ngày triều Nguyễn cáo chung 1945 lại cấp thiết nên lúa de không còn được ưu tiên, dần dần mất giống. Sau này, có tin TS. Phan Phước Hiền (Đại học Nông Lâm - TP. Hồ Chí Minh) đã từng đến ngân hàng gen của Viện lúa Quốc tế (IRRI) ở Philippine mong tìm và “hồi hương” giống lúa de An Cựu, nhưng kết quả thì đến nay vẫn chưa nghe đề cập.

Nhà đức Từ Cung (Đoan Huy Hoàng thái hậu), được cho là nơi trú ngụ của những hạt gạo de cuối cùng

Gần 400 năm là thủ phủ Đàng Trong, rồi là kinh đô của Tây Sơn, tiếp đó là của vương triều Nguyễn, Phú Xuân - Huế hẳn đã tiếp nhận vô số kỳ hoa dị thảo, cây trái thơm ngon từ các vùng miền cung tiến. Một số có thể do các thân vương, đại thần mang giống về sau những chuyến công cán; hoặc do các bà vợ vua nhớ sản vật của nơi chôn nhau cắt rốn đã truyền cho người gửi giống về kinh… Xuất xứ và con đường về với Huế có thể khác nhau, nhưng đặc tính thì chắc chắn chỉ có một, ấy là phải quý, phải thơm, phải ngon thuộc hàng đặc biệt.

Chế độ quân chủ đã chấm dứt tính đến nay đã hơn 7 thập kỷ. Cũng ngần ấy thời gian Huế đã không còn giữ vai trò là kinh đô của đất nước. Thời gian và bao nhiêu biến động lịch sử đã làm cho tuổi tên nhiều loài hoa trái, sản vật nổi tiếng của Huế đô một thuở nhạt phai, thất tán dần. Gạo de An Cựu là một đơn cử buồn; hay một loại danh trà của Đại Việt xưa mang tên Tước thiệt vốn được trồng nhiều tại vùng đồi núi An Cựu, nổi tiếng thơm ngon, lại có tính năng linh diệu “giải thoát, trừ phiền, chữa thuỷ, đứng đầu trăm loại thảo dược...” (Ô Châu cận lục) nay cũng không còn dấu vết!

Cây thanh trà bây giờ không chỉ là đặc sản trong ẩm thực mà còn dự phần để phát triển các khu du lịch sinh thái

May sao trong cái sự nhạt phai nghiệt ngã ấy, những khu vườn Huế vẫn còn ôm ấp chỗ này dăm cây măng cụt, chỗ kia đôi cây vải trạng, ít gốc nhãn lồng… Và người Huế sau những tháng năm chạy theo những loại hoa quả thời thượng, nay trở về háo hức chờ mua từng chục măng cụt Huế, dăm quả thanh long vườn, cân nhãn lồng vẫn còn phảng phất hương nắng sớm… Giới chơi hoa cảnh cũng đang trở về lùng tìm những hoa mộc, trà mi, hàm tiếu, hải đường… mang thương hiệu Huế. Riêng thanh trà thì còn vui hơn, loại trái cây có múi đặc sản Huế mà tôi dám chắc rằng nếu là chuẩn thanh trà thì không một loại quả nào cùng họ có thể sánh bằng, đã được chọn để tái hiện lễ “tiến vua” và đang mang lại ấm no, thu nhập cho không ít gia đình…

Qua rồi cái thuở hàn vi chỉ chăm chắm cần no cái bao tử, nay là cái thời ăn phải ngon lành, chơi phải tinh tế. Những nguồn gen “lai kinh, tiến vua” lưu lại được cho đến bây giờ hoàn toàn đáp ứng được cái tiêu chí cao sang ấy. Việc bây giờ là phải tránh vết xe đổ của những gạo de, trà Tước thiệt… để giữ gìn, nhân rộng chúng. Việc làm ấy không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, ít nhất là thông qua xuất khẩu tại chỗ bằng hoạt động du lịch, mà quan trọng hơn, còn có ý nghĩa bảo tồn những giá trị văn hóa cho Huế - một động thái cần thiết trong lộ trình tiến đến đô thị Di sản.

Bài, ảnh: Hiền An

 

https://baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày