Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.520.914
Truy cập hiện tại 3.986
Cùng vượt qua khó khăn
Ngày cập nhật 20/04/2020

TTH - Nghỉ việc không lương, giãn ngày làm việc hay mất việc làm… là tình trạng chung của nhiều lao động hiện nay do ảnh hưởng dịch COVID - 19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người lao động đã có những cách làm riêng để vượt qua giai đoạn khó khăn.

 

giai đoạn dịch COVID - 19 lan rộng, người lao động và doanh nghiệp sẵn sàng cùng chia sẻ để vượt qua khó khăn. (Trong ảnh: Người lao động làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế)

Khó khăn chung

Kể từ tháng 2 đến nay, chị Nguyễn Ngọc Thụ Nhân, giáo viên hợp đồng một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP. Huế không có bất cứ thu nhập nào do trường dừng hoạt động. Những tuần đầu tiên, trường vẫn hỗ trợ lương cho người lao động, nhưng khi tình trạng nghỉ học kéo dài, các giáo viên đều nghỉ việc không lương.

Chị Nhân cho biết, lúc nghỉ dạy cũng là thời gian chị mang thai đứa con thứ hai. Khó khăn chồng chất khó khăn khi chồng của chị là nhân viên sale của một công ty bánh kẹo cũng bị giảm nặng thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện hai vợ chồng tằn tiện sử dụng khoản tiền tiết kiệm để cầm cự qua ngày.

Gia đình tôi đang từng ngày mong chờ được hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ để có thêm một khoản tiền trang trải cuộc sống”, chị Thụ Nhân bộc bạch.

Anh Bùi Khắc Kiên, công nhân một đơn vị sản xuất sợi tại Khu Công nghiệp Phú Bài trải lòng, trước đây trung bình mỗi tháng thu nhập của anh khoảng 6 triệu đồng. Trong mùa dịch, công ty thực hiện chính sách giãn thời gian làm việc, mỗi lao động sẽ được nghỉ 2 ngày/tuần nên thu nhập chỉ còn gần 4,5 triệu đồng. Tuy nhiên, có việc làm trong thời điểm này vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Vợ anh Kiên làm việc tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, thu nhập giảm sút. Hai vợ chồng đang thực hiện “đối sách” tiết kiệm chi tiêu tối đa, ưu tiên trả các khoản sinh hoạt phí và thực phẩm hằng ngày để có thể xoay xở cho gia đình gồm 5 người.

Với các lao động thuộc ngành du lịch và dịch vụ, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 rất nặng nề. Để “sống chung với lũ”, nhiều người đã tìm cho mình các công việc tạm thời để kiếm thêm thu nhập. Chị L.N.P., lễ tân một khu resort tại thị trấn Thuận An (Phú Vang) tổ chức kinh doanh đồ ăn chế biến sẵn và ship đến tận nhà cho khách hàng, được người thân, bạn bè và khách hàng ủng hộ. Một số trường hợp khác chuyển sang vào buôn bán mỹ phẩm, thời trang online để phù hợp với xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất để giữ chân người lao động trong mùa dịch. (Trong ảnh: Người lao động làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế)

Đồng hành cùng người lao động

Hiện chưa có số liệu thống kê toàn tỉnh, nhưng chỉ riêng TP. Huế, qua rà soát, số người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp là 12.500 người; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 350 người; người lao động có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm 14.500 người.

Đây cũng là tình trạng chung trên địa bàn toàn tỉnh khi hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.  

Ông Hoàng Trọng Lam, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh thông tin, các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn đa phần có quy mô vừa, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng không đến mức “vỡ trận”.     

Các doanh nghiệp đang thực hiện chính sách khuyến khích nghỉ phép luân phiên và giãn ca làm việc nhưng vẫn đảm bảo chi trả lương cơ bản cho người lao động, chỉ mất đi phần thu nhập từ sản phẩm. Hiện nay, thu nhập của công nhân lao động trung bình giảm còn khoảng 70% so với trước đây, cơ bản vẫn đảm bảo được đời sống. Người lao động vẫn an tâm làm việc và sẵn sàng chia sẻ khó khăn chung với doanh nghiệp.

Bà Trần Kim Oanh, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Dệt may Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung, Chủ tịch CĐCS Công ty CP Dệt may Huế cho biết, 22 đơn vị trực thuộc đều nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất để giữ chân người lao động, không để công nhân lâm vào cảnh mất việc.

Theo bà Oanh, thu nhập tuy có thấp hơn bình thường những vẫn đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu vùng của Thừa Thiên Huế, giúp người lao động vẫn đảm bảo cuộc sống ổn định. Đây là nỗ lực của cả tập thể người lao động và Ban giám đốc công ty, cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt.

“Các công đoàn cơ sở đã chủ động tham gia thỏa thuận với người sử dụng lao động về vấn đề tiền lương và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong mùa dịch nhằm ổn định đời sống cho người lao động”, bà Oanh cho biết thêm.

Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, bị mất việc. Trong đó, thăm hỏi và hỗ trợ cho gần 1.400 đoàn viên ở các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đoàn viên nghiệp đoàn với tổng số tiền hơn 440 triệu đồng và một số nhu yếu phẩm gồm: 7,1 tấn gạo, nước mắm, dầu ăn, 2000 khẩu trang và 700 chai nước rửa tay.

Báo Thừa Thiên Huế
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày