Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.532.498
Truy cập hiện tại 8.481
Một số vấn đề về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Ngày cập nhật 12/10/2021
                                                         
                                                                   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Cán bộ cấp cao phải gương mẫu, nghiêm khắc với bản thân.

 - Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận 01-KL/TW về về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Về vấn đề nêu gương, Kết luận nêu một số hạn chế, tồn tại: “Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu, chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật”. Đây là một nhận định thể hiện sự thẳng thắn, mạnh dạn và từ đó có căn cứ để định hướng thực hiện Chỉ thị 05 trong thời gian tới.

Vì vậy, để việc thực hiện Chỉ thị 05 thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực, Bộ Chính trị yêu cầu cần phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bácnêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Đồng thời, yêu cầu phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy định nêu gương.

Ngày 28/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 58-KH/BTGTW thực hiện Kết luận 01; trong đó, vấn đề nêu gương, Kế hoạch đã đặt ra nhiều nội dung để cấp ủy các cấp và địa bàn, đảng viên quan tâm thực hiện.

Thứ nhất, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên (gọi chung là cán bộ) thực hiện trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, trong đó đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy chính quyền cơ quan, đơn vị. Đây là quan điểm nhất quán trong việc phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; người có trách nhiệm càng cao thì càng phải nêu gương sáng, bởi sự tác động, ảnh hưởng của họ đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân càng lớn.

Thứ hai, khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước dưới sau”, “trong trước ngoài sau”, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Đây có thể xem là một phương châm mới trong việc thể hiện tính nêu gương, đó là lãnh đạo cấp trên nêu gương trước, tiếp theo là cấp dưới; cấp dưới đó lại đứng đầu bộ phận nhỏ thì tiếp tục phải gương mẫu đối với cấp dưới của mình và quần chúng, cứ như vậy tiếp nối. Đó là nêu gương trong nội bộ dần ra bên ngoài, như trong tập thể ban lãnh đạo, ban thường vụ, cấp ủy, tổ chức đảng… rồi lan dần ra phạm vi rộng hơn, cho đến toàn cơ quan, đơn vị, địa phương… Đó là luôn phát huy tính tiên phong của cán bộ, đảng viên đối với quần chúng trong cơ quan, nhân dân ở địa phương…, sự gương mẫu đó sẽ lan tỏa, thuyết phục, truyền cảm hứng cho nhiều người khác nỗ lực, phấn đấu.

Thứ ba, lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện, công tâm, công khai, minh bạch, chính xác, chống cục bộ địa phương, bè phái trong công tác cán bộ. Sự nêu gương của lãnh đạo không phải là cố tạo ra hình ảnh đẹp mà phải luôn nỗ lực vì sự phát triển của địa phương, đơn vị, vì lợi ích của nhân dân. Các quyết định được đưa ra cũng phải là một sự nêu gương ở khía cạnh, mỗi quyết định đều được nghiên cứu thấu đáo, có mục tiêu rõ ràng, có tính khả thi cao, phát huy được trí tuệ tập thể của cơ quan, đơn vị… Đồng thời, phải luôn giữ vững các nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động thực tiễn.

Thứ tư, không ngừng học tập tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về nhân cách, lối sống; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không tham nhũng, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, không để người nhà, người thân lợi dụng địa vị công tác để vụ lợi. Cán bộ, nhất là lãnh đạo, phải luôn gương mẫu trong việc học tập, rèn luyện, cả về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức cách mạng, cả trong công tác, sinh hoạt, ứng xử với mọi người… Đặc biệt, phải chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng.

Thứ năm, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Thực tế cho thấy, không khí tự phê bình và phê bình trong từng cơ quan, đơn vị phụ thuộc rất lớn vào vai trò nêu gương của người đứng đầu. Bản thân người đứng đầu có quan điểm đúng đắn về việc tự kiểm điểm thì mới thúc đẩy và tạo điều kiện cho người khác mạnh dạn kiểm điểm, qua đó kịp thời khắc phục các khuyết điểm, hạn chế và nhất là ngăn ngừa các vi phạm nghiêm trọng. Người đứng đầu, các cán bộ phải thực sự có “dũng” trong việc đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng, không “cầu an”, “ba phải”… Do đó, bên cạnh tư cách của người cán bộ, đảng viên nói chung cũng cần đặt ra vấn đề về tư cách của người lãnh đạo, với những đòi hỏi về uy tín, về dũng khí, về tầm nhìn…

Để việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc thường xuyên và là nhiệm vụ của mọi cán bộ, đảng viên, từ đó lan tỏa đến quần chúng nhân dân, vai trò nêu là rất quan trọng. Sự định hướng của các quy định của Trung ương về vấn đề này là rất cần thiết nhưng cũng cần những quy định cụ thể theo đặc thù của từng cơ quan, địa phương, đơn vị để việc nêu gương và kiểm tra, giám sát việc nêu gương trở thành cụ thể, thiết thực và phù hợp.

 

Vân Tâm (Stxdd.thanhuytphcm.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày