Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.528.902
Truy cập hiện tại 668
Văn hóa Đảng - nhân tố hàng đầu xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh”
Ngày cập nhật 21/12/2021
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, đó là: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

Trọng tâm, xuyên suốt

Khi nói về Đảng Cộng sản, V.I.Lênin đã từng chỉ rõ, Đảng là “Trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Về văn hóa, đây là phạm trù vô cùng rộng lớn, bao gồm những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử. Văn hóa bao hàm cả những giá trị nhân đạo, nhân văn, chân - thiện - mỹ của con người... Vì thế, văn hóa và Đảng tất yếu có quan hệ bản chất. Điều đó có nghĩa, “V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhất quán khẳng định bản chất của Đảng trước tiên và quan trọng nhất là văn hóa”[2]. Nói cách khác, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải luôn coi trọng xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng.

Thực tiễn đã chứng minh, văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam là bộ phận tinh túy của văn hóa dân tộc. Sự ra đời của Đảng chính là một sản phẩm của văn hóa, là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đỉnh cao của văn hóa nhân loại (Chủ nghĩa Mác - Lênin) với tinh hoa của văn hóa dân tộc (phong trào yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam). Văn hóa Đảng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển, với truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

Trong 91 năm qua, Đảng ta luôn đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTW (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đã chỉ rõ: “Để xây dựng và phát triển văn hóa trong xã hội, trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy nhà nước như Bác Hồ đã dạy Đảng ta là đạo đức, là văn minh… Văn hóa đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, viên chức nhà nước”. Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTW (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” định hướng: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân”. Tại Đại hội XII, xây dựng văn hóa trong Đảng được bổ sung với nhiều điểm mới; nổi bật là đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức: “Tập trung thực hiện mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đây là sự bổ sung, phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn của Đảng ta; cũng chính là sự kế thừa và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng là đạo đức, là văn minh”.

Như vậy, xây dựng văn hóa trong Đảng là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt, nâng cao sức lãnh đạo, chiến đấu của Đảng. Hay nói cách khác, xây dựng văn hóa trong Đảng chính là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Đảng ta.

Triển khai đồng bộ nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra nhiều chủ trương, định hướng quan trọng, gắn chặt công tác xây dựng Đảng về đạo đức với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với Chỉ thị 03-CT/TW (khóa XI), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là yêu cầu đặc biệt quan trọng với mấu chốt là xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Quan điểm này tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng kế thừa, bổ sung, hoàn thiện. Đại hội XIII đề ra chủ trương xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức với nhiều nhiệm vụ giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Gần đây, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã thảo luận, ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”. So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII trước đây, Kết luận số 21-KL/TW đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm trong xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng mà còn mở rộng ra đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, Trung ương đã thống nhất ban hành Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm” thay thế cho Quy định số 47-QĐ/TW của BCHTW khóa XI. Quy định số 37-QĐ/TW kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp của Quy định số 47-QĐ/TW, bên cạnh đó, bổ sung một số nội dung nhằm phù hợp với tình hình mới.

Kế thừa và phát huy

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng về văn hóa Đảng, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung lãnh đạo, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương của Đảng về xây dựng và thực hành văn hóa trong các tổ chức cơ sở đảng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TU, ngày 25/4/2016 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và cơ quan hành chính Nhà nước; Kết luận 44-KL/TU, ngày 28/4/2017 thông qua Đề án Đổi mới phong cách, phương pháp và lề lối làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND, ngày 31/8/2018 Quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh.... Từ đó, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc, trên cơ sở đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phát huy phương châm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phòng ngừa các sai phạm. Các địa phương, đơn vị đã xây dựng và nghiêm túc thực hiện các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trong đó tập trung nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong sinh hoạt và công tác.

Xác định phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên là vấn đề hết sức quan trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đảng bộ thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực. Đã gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khóa XII với học tập và làm theo Bác. Từ đó, nhiều việc làm, mô hình sáng tạo ở các địa phương, đơn vị được phát hiện, nhân rộng, mang lại hiệu quả tích cực. Các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy và cán bộ, đảng viên bám sát 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra để làm căn cứ, soi xét, phân tích làm rõ đối với tập thể, cá nhân. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc triển khai việc đăng ký cam kết không tham nhũng, lãng phí, không có biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đến từng cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn tỉnh đã nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thừa Thiên Huế đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực, gương mẫu, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân.

Từ những kết quả trong xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng, nắm vững bài học kinh nghiệm qua các kỳ đại hội đã đúc kết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác phương hướng trong thời gian tới: “Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức…Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”.

Với tinh thần đó, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bích Ngọc

Nguồn: Cổng TTĐT Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Các tin khác
Xem tin theo ngày