Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.690.098
Truy cập hiện tại 37.990
Vùng trũng rác thải
Ngày cập nhật 07/11/2019

TTH - Cách đây hơn 30 năm, mua được một chiếc xe bãi (xe honda Nhật), hàng điện tử nội địa (thị trường thường gọi thế chứ đối với Việt Nam là “ngoại địa” – vì đó là hàng nhập khẩu) có thể nói là thuộc thành phần “ngon lành”. Lúc ấy còn nghèo, mấy ai sở hữu được chiếc xe máy, dàn nhạc nội địa.

Thực ra, đây là một thứ rác thải của các nước công nghiệp phát triển. Với họ xem là rác (hàng phế thải) còn chúng ta xem đó là sản phẩm. Hiện nay, không biết việc nhập khẩu đi theo đường nào (chính ngạch hay tiểu ngạch, hay buôn lậu) nhưng hàng điện tử nội địa vẫn có. Muốn mua thứ gì chỉ cần lên mạng, tại TP. Hồ Chí Minh có cả. Hàng nội địa có xuất xứ từ Nhật dùng điện 110v, người bán tặng luôn bộ chuyển đổi 220v.

Nguyên tắc dịch chuyển của hàng phế liệu, rác thải công nghiệp là từ các nước giàu, phát triển chảy về các nước nghèo, kém phát triển. Nó thường chảy từ tây sang đông. Ngay một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc vẫn nhập rất nhiều loại hàng này. Công xưởng của thế giới (mệnh danh của Trung Quốc) qua hai thập niên phát triển thần kỳ, giờ phải điều chỉnh mục tiêu phát triển. Chọn những ngành có giá trị gia tăng cao, ít ô nhiễm môi trường. Vậy là Trung Quốc cũng đã có lệnh hạn chế nhập phế liệu. Ngay lập tức, hàng phế liệu tràn về vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đọc con số này mà giật mình: “tính đến tháng 9/2019, các công ten nơ hàng phế liệu tồn tại các cảng là 10.100 công ten nơ. Con số này vào đầu năm là 24.000”. Một công ten nơ 40 feet Anh chứa khoảng 67 khối, nặng chừng 30 tấn. Chúng ta cứ thế nhân lên 24.000 công ten nơ sẽ biết một con số lớn như thế nào. Tuy nhiên, đây chỉ là hàng tồn cảng, chậm giải phóng, còn hàng đã chảy vào nền kinh tế thì lớn hơn nhiều.

Muốn nhập phế liệu cũng phải có tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên không loại trừ hàng dưới chuẩn. Nhìn ở khía cạnh kinh tế, hàng phế liệu đã góp một phần không nhỏ trong phát triển lĩnh vực công nghiệp tái chế của Việt Nam. Nó cần cho nền kinh tế trong thời điểm hiện tại.

Hàng phế liệu đã về các nước chậm phát triển rồi nó đi đâu nữa? Không đi đâu cả, nó chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong vùng trũng này. Nó có tác động tích cực là góp phần cho ngành công nghiệp tái chế phát triển, tức là phát triển ở một mảng kinh tế. Nhưng về lâu dài, nó để lại những di hại cho môi trường. Chúng ta có chấp nhận đánh đổi hai mục tiêu nêu trên hay không, đó là một thái độ lựa chọn! Đất nước chúng ta có vẻ như đang mâu thuẫn trong mục tiêu – vừa kêu gọi người dân hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần, vừa cho nhập hàng phế liệu, trong đó có hàng nhựa phế phẩm (dù điều kiện được thắt chặt hơn). Nói chung, đó là vòng luẩn quẩn của các nước nghèo.

Nhìn qua một lăng kinh khác, ở phía xuất khẩu các mặt hàng phế liệu. Chúng ta tưởng họ văn minh, nhưng chưa hẳn vậy. Họ bảo vệ môi trường sống của đất nước họ nhưng chưa chắc họ quan tâm đến môi trường sống của nhiều đất nước khác. Điều này được gọi là quyền lợi dân tộc. Nhưng môi trường và biến đổi khí hậu, những xung đột với thiên nhiên thì không chừa một ai, nó chỉ tác động lên từng nước nhiều hay ít mà thôi. Cứ tưởng anh giàu có là được yên thân. Anh giàu có nhưng chung quanh anh là những người nghèo khổ thì chưa chắc! Vấn đề thời sự hiện nay trên thế giới là di dân, vượt biên từ nước này qua nước khác. Nhiều trại tị nạn khổng lồ được dựng lên. Xem ra, nhân loại còn chứng kiến nhiều sự bất trắc ở thời hiện đại trong quá trình phát triển.

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày