Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.689.784
Truy cập hiện tại 37.755
Phát triển bền vững cao su Việt Nam: ‘Đừng thấy khó mà bỏ’
Ngày cập nhật 07/11/2019

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 100 năm phát triển, ngành cao su hiện đang là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng của Việt Nam, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với nhiều biến động từ tình hình thế giới, ngành cao su ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Thu Lê

 

Nhằm phát triển ngành cao su theo hướng hiệu quả, bền vững tới năm 2030 và xác định tầm nhìn cho những năm tiếp theo, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các địa phương tổ chức Hội nghị Phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030 vào ngày 6/11 tại TPHCM để nghiên cứu, đánh giá, đề xuất chủ trương, chính sách đối với ngành cao su.

Cao su phát triển chưa bền vững

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), những bất ổn của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc là những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường cao su thiên nhiên thế giới.

Trong cả năm 2019, ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên sẽ tăng 1,1% so với năm trước, đạt 13,936 triệu tấn và tiêu thụ giảm 0,8%, đạt 13,838 triệu tấn. Dựa trên những số liệu trên, nguồn cung cao su thế giới năm 2019 sẽ cao hơn nhu cầu 97.000 tấn.

Do diện tích cao su tăng nhanh trong những năm 2005-2012 nên diện tích thu hoạch cao su tiếp tục tăng từ năm 2017 đến 2025 kéo theo nguồn cung ở mức cao và giá cao su tiếp tục thấp.

Đối với tình hình trong nước, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 8 năm (từ năm 2011 đến 2018), diện tích cao su cả nước tăng nhanh từ 801.600 ha năm 2011, lên 965.000 ha năm 2018. Theo định hướng quy hoạch cao su cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì diện tích cao su đã vượt quy hoạch khoảng 165.000 ha.

Trong đó, có một số vùng trồng ngoài quy hoạch, có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khó khăn, như bão, lụt ở duyên hải miền Trung, rét đậm kéo dài, sương muối tại các vùng miền núi phía bắc đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho người sản xuất.

Hiện tích cao su tiểu điền còn chiếm tỷ lệ khá lớn, chiếm tới 53,2% tổng diện tích với hơn 265.000 hộ gia đình trồng cao su. Người dân trồng và thu hoạch cao su nhỏ lẻ, thiếu liên kết, kỹ thuật, quy trình chăm sóc khó kiểm soát ở tất cả các khâu, chất lượng thiếu ổn định, tác động không tốt đối với thị trường sản xuất. Giá nguyên liệu cao su tiểu điền thường thấp hơn từ 1-1,5 triệu đồng/tấn so với giá cao su đại điền vì chất lượng kém hơn và do qua nhiều khâu trung gia thu gom. Trong điều kiện giá cao su xuống thấp, người dân bắt đầu chuyển đổi từ cây cao su sang các loại cây trồng khác xuất hiện ở những nơi thuận lợi phát triển cây trồng có lợi hơn cao su.

Cùng với đó, tỷ trọng cao su già cỗi ở vùng trồng truyền thống hiện đang ở mức cao dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm khai thác sụt giảm. Trong tình hình giá cao su xuống thấp như hiện nay, đang xảy ra cạnh tranh đất tái canh cao su với trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Việt Nam có sản lượng cao su đứng thứ 3 thế giới, tuy nhiên, có đến trên 80% cao su thiên nhiên được xuất khẩu dưới dạng chế biến thô. Công nghệ chế biến còn hạn chế so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su trong nước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ trên 65% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam và đang trong xu hướng tăng lên.

Là một trong các tỉnh trọng điểm phát triển cao su vùng Tây Bắc, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết tỉnh được cho phép áp dụng cơ chế người dân góp vốn dưới dạng quyền sử dụng đất cùng với Công ty Cổ phần Cao su Sơn La và được hưởng cổ tức.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2015 tới nay, giá mủ cao su xuống thấp, tỉnh cũng chưa có nhà máy chế biến mủ để tăng giá trị sản phẩm nên thu nhập của người lao động và người góp đất trồng cao su rất thấp. “Hiện Công ty Cổ phần Cao su Sơn La trả 1,2 triệu đồng/năm cho mỗi ha người dân góp để trồng cao su, đây là mức rất thấp. Phát triển cây cao su cũng chưa giải quyết được mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững như Nghị quyết của Đảng. Số hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm tới 23,3% tổng số hộ góp đất”, ông Hùng cho biết.

Tái cơ cấu là yêu cầu bức thiết

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, Việt Nam có sản lượng cao su cao, năng suất hàng đầu thế giới nhưng vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm thì hoàn toàn bị động nên dễ bị tác động bởi các biến động trên thị trường thế giới.

Mặt khác, khi tình hình khó khăn, nếu một số nước có sản lượng cao su thiên nhiên lớn như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khá nhịp nhàng, linh hoạt thì chúng ta mới chỉ có chính sách chung, chưa cụ thể, kịp thời. Bên cạnh đó, thách thức từ biến đổi khí hậu đặt ra những khó khăn không nhỏ cho ngành cao su.

“Với thực trạng hiện nay, ngành cao su cần phải tái cơ cấu, trong đó ngoài củng cố nội lực của các doanh nghiệp, của ngành, còn cần có chủ trương, chính sách và cả chiến lược phát triển từ Chính phủ, các cấp, bộ, ngành sát sao hơn với sự phát triển của ngành cao su Việt Nam”, ông Thuận nhấn mạnh.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, đưa diện tích cây cao su về quy hoạch trước đây - 800.000 ha là hoàn toàn phù hợp. Đối với những vùng có điều kiện tự nhiên kém thuận lợi, thường bị ảnh hưởng bão lũ, khí hậu khắc nghiệt như Tây Bắc, Trung Bộ, có thể điều chỉnh giảm diện tích để tập trung cho các cây trồng cho năng suất cao hơn hoặc các mục đích khác, tập trung cho khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, những nơi an toàn cho phát triển cây cao su về lâu dài.

Ông Thuận cho biết ngành cao su đang rất cần những chính sách cụ thể, linh hoạt về tín dụng; hỗ trợ cao su tiểu điền trong điều kiện xuống giá, xuất khẩu gặp khó…

Chủ tịch Hiệp hội Cao su cũng cho rằng, để nâng tầm cao su Việt Nam thì không thể xuất khẩu thô mãi được mà chắc chắn phải phát triển chế biến sâu. Tuy nhiên, với tình trạng “thiếu và yếu” của sản xuất trong nước, trước hết phải liên kết với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ, có thị trường để trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị của họ.

Đồng thời, do xu hướng chững lại của ngành công nghiệp ô tô do tác động giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới, cần chủ động nghiên cứu các sản phẩm khác ngoài vỏ xe, vỏ lốp để đón đầu và tìm các hướng mới cho thị trường xuất khẩu cao su Việt.

Tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành cao su đang phải đối mặt, tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “Cao su là cây công nghiệp lâu năm, nên khi trồng hay khi muốn chặt đừng nhìn vào kết quả của một vài năm để quyết định. Đừng thấy hôm nay khó mà bỏ”.

Theo ông Phát, giá cao su có sự dao động theo chu kỳ, điểm thấp vào cuối những năm 90 thế kỷ trước, sau đó lên đỉnh cao năm 2011, hiện đang xuống đáy của chu kỳ, vì vậy rất có khả năng giá sẽ tăng trở lại.

Ông Cao Đức Phát cũng cho biết từ những nghiên cứu, đánh giá, Ban Kinh tế Trung ương sẽ làm việc lại với Bộ NN&PTNT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với Chính phủ điều chỉnh các chính sách có liên quan về đất đai, thuế, tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển cao su miền núi, đồng bào dân tộc và biên giới…

Thu Lê

 
Nguồn báo điện tử chính phủ.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày