Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.628.250
Truy cập hiện tại 28.358
Hệ thống văn bản pháp luật về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện
Ngày cập nhật 19/11/2019

Ngày 18/11, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Tham dự Hội nghị có đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và đặc biệt là sự tham dự của các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

image

Toàn cảnh hội nghị

Thực hiện Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội và Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để thực hiện Hiệp định CPTPP. Ngày 14/6/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019.

Ngày 01/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và Nghị định số 98/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP. Ngày 16/9/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2019/TT-BTC quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp và công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.

Như vậy, với sự nỗ lực, khẩn trương và tập trung nguồn lực của Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan, chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống văn bản pháp luật về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cơ bản đã được hoàn thiện, đồng bộ từ Luật đến Nghị định, Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, kể từ ngày Nghị định 100/CP ra đời, trải qua hơn 25 năm phát triển, đến nay thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước tiến dài cả về quy mô thị trường và tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12 sau đó, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành 47 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Điều này đã tạo khung khổ pháp lý, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm chặt chẽ từ khâu cấp phép đến quản lý các hoạt động của doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chính, và bảo đảm hài hòa giữa quản lý giám sát thận trọng và tạo chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

image

Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm

Từ thị trường chỉ có 1 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai 22 sản phẩm bảo hiểm vào trước năm 1994, hiện nay trên thị trường đã có 65 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Trong đó có 29 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Hệ thống sản phẩm bảo hiểm cũng được mở rộng với hơn 800 sản phẩm bảo hiểm cung cấp cho các đối tượng khách hàng hoạt động trong mọi lĩnh vực, thuộc mọi thành phần kinh tế-xã hội. Đến hết năm 2018, tổng tài sản toàn thị trường đạt 395 nghìn tỷ đồng tăng 25% so với năm 2017, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 324 nghìn tỷ đồng tăng 30% so với năm 2017, tổng doanh thu bảo hiểm năm 2018 của thị trường đã đạt hơn 160 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, chiếm gần 3,1% GDP, số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm gần 40 nghìn tỷ đồng.

Thị trường bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Điều này tất yếu đòi hỏi hành lang pháp lý tương ứng phải mở rộng để phù hợp với mức độ gia nhập thị trường quốc tế cũng như tính phức tạp của nội tại hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Vì vậy, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng, việc Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để Việt Nam mở cửa thị trường một cách chủ động, thực hiện các cam kết quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm một cách chặt chẽ và hiệu quả. Đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thị trường trong nước và hoàn chỉnh đầy đủ các yếu tố của thị trường bảo hiểm bao gồm: kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm (gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm) và lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm (gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm).

image

Ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Quản lý, giám sát môi giới bảo hiểm

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Quản lý, giám sát môi giới bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã giới thiệu cho các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm về nội dung Luật số 42/2019/QH14. Với bố cục gồm 4 Điều, Luật số 42/2019/QH14 đã hoàn thiện quy định pháp luật trong nước để đả bảo thực thi Hiệp định CPTPP nghiêm túc, đầy đủ; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Các nội dung cơ bản của Luật số 42/2019/QH14 đã được giới thiệu chi tiết như: giải thích từ ngữ liên quan đến dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quy định về quyền tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới; quy định về quản lý, giám sát dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; vi phạm trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm; hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Bình cũng trình bày về nội dung của Nghị định 80/2019/NĐ-CP ngày 01/11/2019 của Chính phủ. Trong đó, làm rõ các quy định về: Đăng ký bổ sung nội dung hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; việc thuê tổ chức cung cấp dịch vụ tính toán bảo hiểm; doanh thu, chi phí cung cấp và sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; chế độ báo cáo về việc cung cấp và sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Một số nội dung khác cũng được giới thiệu tại Hội nghị như: Điều kiện văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm; cung cấp và sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới.

image

Bà Dương Thị Nhi - Trung tâm Nghiên cứu và Đạo tạo bảo hiểm

Trong khuôn khổ Hội nghị, bà Dương Thị Nhi - Trung tâm Nghiên cứu và Đạo tạo bảo hiểm (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) đã trình bày nội dung Thông tư số 65/2019/TT-BTC quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp và công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Thông tư số 65/2019/TT-BTC gồm 4 Chương, 18 Điều, có nội dung bao gồm: các quy định chung; nội dung đào tạo, thi, cấp chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm đối với các cơ sở đào tạo ở trong nước; công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp; tổ chức thực hiện.

image

Hội nghị nhận được nhiều câu hỏi từ phía doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực

kinh doanh bảo hiểm

Hội nghị cũng đã dành phần lớn thời gian để trao đổi, giải đáp các câu hỏi liên quan đến nội dung quy định tại Luật số 42/2019/QH14, Nghị định 80/2019/NĐ-CP và Thông tư số 65/2019/TT-BTC đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm… Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết sẽ tiếp tục tiếp nhận các câu hỏi của doanh nghiệp để có trả lời và hướng dẫn cụ thể, nhằm giúp Luật và Nghị định, Thông tư sớm đi vào thực tiễn.

Tin và ảnh: Tuệ Anh

Nguồn cổng thông tin điện tử của bộ tài chính
Các tin khác
Xem tin theo ngày