Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Chàng trai Cơ Tu mê làm việc thiện
Ngày cập nhật 13/12/2019

TTH - Em còn rất trẻ, so với chúng tôi là hai thế hệ, nhưng có một điểm chung: Dành nhiều thời gian cho những thân phận kém may mắn hơn mình với suy nghĩ giúp được ai chút nào hay chút đó. Chỉ thế thôi, mà chị em quen rồi thân nhau. Lên Nam Đông, tôi ới là em đến, em về Huế “ới tiếng” tôi cũng chạy tới. Trẻ trung, nhiệt tình, em luôn khiến người đối diện cảm thấy mình đang trò chuyện, kết nối với một người có trách nhiệm, đáng tin cậy.

Hồ Khánh An tham gia hiến máu tình nguyện

Em là Hồ Khánh An, 30 tuổi, quê ở xã Hương Sơn, Nam Đông. Chàng trai người Cờ Tu “mê làm việc thiện” hiện đang công tác tại Trường tiểu học Thượng Nhật với “chức vụ” Bí thư Chi đoàn giáo viên của trường, là đảng viên trẻ với gần 3 năm tuổi Đảng, 6 năm tuổi nghề và nhiều năm làm việc thiện.

Lặng lẽ giúp người

Ở tuổi 30, nhưng Hồ Khánh An đã có “thâm niên” làm việc thiện khá lâu. Hơn một năm nay, công việc này càng có hiệu quả, tạo được sự đồng vọng trong cộng đồng nên hiệu quả cao.

Em và nhóm bạn trẻ ở Nam Đông đã huy động được hơn 200 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện. Từ việc lo cho một số phận không may bị bạo bệnh, giúp một em nhỏ vừa trở thành trẻ mồ côi hay giúp các cụ già neo đơn nghèo khó, người bệnh nghèo, tìm nguồn xin xe đạp cũ hỗ trợ cho học sinh ở xa trường, hỗ trợ gà giống cho học sinh nghèo nuôi bán lấy tiền mua sách vở, xin ti vi cũ của người khá giả cho cho người nghèo… Mỗi việc em làm tưởng như bình thường nhưng vô cùng hữu ích, không chỉ giúp người khó khăn mà còn tạo mầm thiện trong nhiều người…

Thầy An với học sinh Thượng Nhật

Có những chương trình dài hơi như “Nồi cháo yêu thương” dành cho những bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện huyện Nam Đông mà ngọn nguồn là do thấy nhiều bệnh nhân ăn uống thiếu chất. An và các bạn tự nguyện rồi lan tỏa và trở thành một hoạt động thường xuyên với sự hỗ trợ, tham gia của nhiều cá nhân và tập thể. Hiện “Nồi cháo yêu thương” được duy trì hiệu quả. Hoặc những trường hợp đặc biệt khó khăn, khó khăn đột xuất….Thấy ai quá khổ là An và các bạn tìm cách giúp. Không có tiền của vật chất, nhưng bằng tấm lòng, sự nhiệt tình, An nối yêu thương tới yêu thương, “lan toả yêu thương, nhân mầm thiện nguyện”, làm nhịp cầu chuyển tải tình người. Nhiều mạnh thường quân đã nhờ An hỗ trợ cho người khó lúc ngặt nghèo, chỉ thế thôi mà An đã giúp đỡ cho nhiều người thoát khỏi bế tắc...

Chu toàn mọi việc

Trong một cuộc trò chuyện, khi chúng tôi tò mò hỏi sao hay lo chuyện “bao đồng”? An trả lời: “Giúp ai được thì giúp thôi, mình giúp họ, mai mốt có người khác giúp mình”. An cũng bộc bạch, phải chu toàn việc trường, làm người cha tốt, người chồng tốt và là người con hiếu thảo trước khi là người tốt bụng. Với cách nói bộc trực của người dân vùng cao, An làm tôi bất ngờ bởi những câu trả lời đơn giản mà cụ thể, xác đáng, rõ ràng.

Là Tổng phụ trách Đội của một trường tiểu học vùng cao, bản thân cũng là người dân tộc thiểu số, An hiểu tâm lý không chỉ học sinh mà cả phụ huynh. Người dân ở đây chưa hết lòng, trẻ càng chưa có ý thức học hành nên tình trạng bỏ học vẫn diễn ra. Muốn trẻ đi học đều, thầy phải đến từng nhà dỗ dành, động viên không chỉ trẻ em mà cả cha mẹ các em. Nhưng đó chỉ là bước đầu, giữ được các em đến trường thường xuyên mới chính là sự khó nhọc của thầy cô. Trong vai trò người thầy, không chỉ từ áp lực, từ trách nhiệm phải “giữ học sinh”, với An còn là tấm lòng của một đàn anh đi trước. Trưởng thành nhờ học hành, nên An mong học trò của mình cũng học hành đến nơi đến chốn. Đó là nguyên nhân khiến An say mê tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh.

Được sự hỗ trợ của nhà trường, cộng sự sáng tạo vào các chương trình có sẵn, nhiều chương trình khô cứng được An và đồng nghiệp biến thành sân chơi để “dỗ trẻ”. Nhiều trò chơi dân gian, nhiều hội thi, hoạt động theo câu lạc bộ của Trường tiểu học Thượng Nhật được hình thành và hoạt động hiệu quả. Sự nhiệt tình, sáng tạo trong công tác tổ chức của An và các thầy cô trong trường đã lôi cuốn được học sinh. Có em đã bỏ học, nhưng thấy hoạt động ngoại khoá của trường vui quá nên xin đi học lại. Nhiều em lười học đã trở lên chăm chỉ, học tốt để được thầy An chọn vào đội tuyển bóng đá, bơi lội, vào CLB…

Sự nhiệt tình của thầy An đã góp phần không nhỏ để hoạt động ngoại khoá của Trường tiểu học Thượng Nhật gặt hái được thành công trong các cuộc so tài của học sinh Nam Đông, như: nhất toàn đoàn giải bơi, nhất toàn đoàn Ngày hội giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc thiểu số cùng nhiều giải thưởng khác… Nhiều em trong đó còn đại diện học sinh Nam Đông dự thi các giải cấp tỉnh.

Gặp An, chúng tôi lại nhớ lời cô Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Nhật: “An là một thanh niên trẻ nhiệt huyết, năng động và trách nhiệm. Giao việc cho An rất an tâm. Chúng tôi tin lửa nhiệt tình của em sẽ lan toả trong cộng đồng”. Đó cũng là cảm xúc của chúng tôi mỗi lần có dịp cộng tác với em.

Bài, ảnh: Hương Giang

nguồn: baothuathienhue.gov.vn
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.532.498
Truy cập hiện tại 1.254