Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.526.967
Truy cập hiện tại 440
"Cầu" giảm mạnh
Ngày cập nhật 03/02/2021

TTH.VN - Cầu tiêu dùng nội địa là một tác động quan trọng để kích thích nền kinh tế phát triển. Người dân và DN giảm chi tiêu nó sẽ tác động đến mức tăng trưởng kinh tế...

 

Bằng cảm nhận khi quan sát thị trường, chúng ta vẫn biết được rằng sức tiêu thụ của người dân đang giảm đi rất nhiều. Một phần là do thu nhập giảm; phần khác, nhiều người cũng “cảnh giác”, chủ động giảm mức chi tiêu, cắt đi những nhu cầu tạm gọi là “xa xỉ hơn” khi trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường như trước. Một phần nữa là để phòng xa, biết đâu những bất trắc do dịch bệnh còn kéo dài, mà điều này rất có thể diễn ra.

Sức mua sắm Tết ở chợ truyền thống giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong ảnh: Người dân tính toán chọn mua đồ trang trí tết ở chợ Đông Ba. Ảnh: A.T

Cảm nhận là vậy, còn con số thống kê chính thức thì sao ?

Theo công bố của Tổng cục Thống kế, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) trong tháng đầu năm 2021 chỉ tăng ở mức gần như bằng không: 0,06%.

Những năm trước, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này thường tăng mạnh. Lý do là kết thúc một năm hoạt động (Tết Dương lịch) nhiều người lao động được nhận lương thưởng. Hết tết Dương lịch là tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, chi tiêu tăng cao… Thế nhưng năm nay là ngược lại !?

Chúng ta cũng không ngạc nhiên lắm về con số này vì rõ ràng, thu nhập của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, làm cho nhiều hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng hoặc có những lĩnh vực ngưng trệ hẳn.

Ở Thừa Thiên Huế, có một con số thống kê rất xác đáng nói lên điều này. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế, có gần 20% doanh nghiệp ( DN) phải ngừng hoạt động, trên 60% DN giảm quy mô kinh doanh và gần 5% DN phải chuyển đổi ngành nghề khác…

Cầu tiêu dùng nội địa là một tác động quan trọng để kích thích nền kinh tế phát triển. Người dân và DN giảm chi tiêu nó sẽ tác động đến mức tăng trưởng kinh tế. Về mặt quản lý Nhà nước, nếu không có các giải pháp kích thích chi tiêu của DN và người dân thì khó có thể tạo sức bật cho tiêu dùng. Thường, Chính phủ (ở địa phương là Chính quyền) tăng đầu tư công để tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập. Và cũng có một cách khác là hỗ trợ trực tiếp đến người dân hoặc thông qua DN, như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ; gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương người thất nghiệp… (tương tự là như vậy, nhưng các gói hỗ trợ nói trên được đánh giá là chưa phát huy được hiệu quả do khó tiếp cận). Về phía DN và người bán hàng cũng vậy, cần phải tính toán để giảm các chi phí hợp lý, hạ giá thành góp phần hỗ trợ tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chỉ số CPI có thể còn kéo dài ở mức thấp hơn mục tiêu trong năm 2021. Lý do là nếu ở trong điều kiện thuận lợi, DN vẫn còn nằm trong giai đoạn phục hồi, đó là chưa nói đến những yếu tố khó lường như dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Ví dụ như lĩnh vực du lịch quốc tế. Dịch bệnh hoành hành trên toàn cầu một năm qua khiến những người lớn tuổi (có tích lũy) lo ngại về sức khỏe; những người trẻ tuổi thì ảnh hưởng về việc làm, hưởng trợ cấp. Những nơi chi tiêu nhiều cho nhu cầu này như Mỹ và các nước EU thì là những nơi hững chịu tác động của dịch bệnh nặng. Cho nên, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì dòng du lịch quốc tế sẽ có thể phục chậm chứ không phải như “những chiếc lò xo bị nén lâu ngày sẽ có dịp bung mạnh” như những nhận định trước đây. Xem ra nhận định này cũng không phải là không có cơ sở !?

Hy vọng của Việt Nam chúng ta là trong năm qua, việc kiểm soát dịch bệnh tốt (Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương kiểm soát tốt nhất). Nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Thặng dư thương mại quốc tế ở mức khá ( khoảng 7 tỷ USD). Việt Nam vẫn tiếp tục là nơi đón nhận nhiều của dòng đầu tư nước ngoài ( FDI) khoảng 28,5 tỷ USD trong năm 2020…

Đối với Thừa Thiên Huế, kết thúc năm 2020 vẫn có những tín hiệu khả quan về kinh tế:  kinh tế tăng trưởng dương, năm 2020 cũng là một năm thu ngân sách đạt cao kỷ lục; những chương trình lớn của tỉnh tiếp tục được đầu tư mạnh… Hy vọng những yếu tố này sẽ … đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn. Và nhu cầu tiêu dùng tăng cao sẽ hỗ trợ cho kinh tế phát triển.

Nguyên Lê

 

Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày