Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.543.876
Truy cập hiện tại 90
Giảm nghèo bền vững vẫn là mục tiêu hàng đầu
Ngày cập nhật 13/01/2022

 Sau hơn 5 năm thực hiện, Chương trình giảm nghèo bền vững do Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Thừa Thiên Huế từ 8,36% cuối năm 2015 xuống còn 3,45% vào cuối năm 2020. Và dự kiến giảm thêm từ 0,4% trở lên trong năm 2021.

Đại diện Mặt trận tỉnh tiếp nhận ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" năm 2021 từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân

Thiết thực, hiệu quả

Từ năm 2019, TP. Huế triển khai dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế”. Qua thống kê, có gần 152 hộ nghèo, hộ cận nghèo của dự án cần được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng nhà ở. Đây vừa là nhiệm vụ, cũng là thách thức đối với Mặt trận thành phố khi phải huy động mọi nguồn lực để giúp đỡ các gia đình trên sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, Mặt trận và Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” thành phố đã tranh thủ nhiều nguồn lực để hỗ trợ 100% hộ nghèo, cận nghèo khu vực Thượng thành di dời với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng để ổn định chỗ ở. Trong những giai đoạn tiếp theo của dự án, Quỹ “Vì người nghèo” thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng những hộ nghèo, cận nghèo.

Nhìn từ trường hợp của TP. Huế, có thể thấy, Quỹ “Vì người nghèo” của Mặt trận các cấp đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo. Những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hướng dẫn Mặt trận các cấp triển khai xây dựng, sử dụng hiệu quả “Quỹ vì người nghèo” và gắn với Chương trình giảm nghèo bền vững để triển khai sâu rộng khắp các địa bàn.

Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn Quỹ vận động được, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN - Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã sử dụng để giúp đỡ người nghèo trong việc xóa nhà tạm, xây dựng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất, khám, chữa bệnh, hỗ trợ học tập… với số tiền hơn 41,5 tỷ đồng. Năm 2021, Quỹ “Vì người nghèo” tiếp tục chi hơn 8,8 tỷ đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Song hành cùng Quỹ “Vì người nghèo”, công tác an sinh xã hội do Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai cũng là “trợ thủ đắc lực”góp phần giảm nghèo tại nhiều địa phương với các mô hình, hoạt động đa dạng, thiết thực và thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia. 5 năm qua (2016 - 2020), hơn 810 tỷ đồng kêu gọi được từ các đơn vị, cá nhân và tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn về vốn sản xuất, cây con giống, xây dựng và sửa chữa nhà ở, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tạo công ăn việc làm…

Một trong những điểm nổi bật khác của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 chính là việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 16 ngày 25/1/2017 của UBND tỉnh về phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học giúp đỡ những xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở hai huyện A Lưới và Nam Đông.

Với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các dự án giảm nghèo và sự giúp đỡ trực tiếp của các cơ quan được phân công, đến cuối năm 2020, có 14 xã/19 xã tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 25%, còn 5 xã tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 25% (vượt chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch là phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm còn 7 xã). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên địa bàn 19 xã thực hiện Kế hoạch số 16 trong năm 2020 là 4,31%, đạt chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 4 - 5%/năm.

Nhiều thách thức

Theo đánh giá của Mặt trận tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,45% vào cuối năm 2020 là thành quả và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp đã có nhiều đóng góp trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn... Qua đó, tác động tích cực đến đời sống Nhân dân, tạo điều kiện cho hộ nghèo có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm, giúp bà con biết tính toán, lựa chọn loại hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, ngày 27/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 27 quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2025 sẽ áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên toàn quốc sẽ tăng hơn gấp đôi khi áp dụng chuẩn mới, đây cũng là thách thức đặt ra cho các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Thừa Thiên Huế khi thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Trong 5 năm này, chương trình đặt ra tiêu chí 100% hộ nghèo, cận nghèo đều phải được các đoàn thể rà soát để hỗ trợ; phấn đấu đến cuối năm 2025, góp phần cùng tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,0 - 2,2%.

Để có thể hoàn thành mục tiêu trên, tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 do Mặt trận tỉnh tổ chức giữa tháng 12/2021, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Dương Đình Luân cho biết, thời gian tới, Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để công tác giảm nghèo bền vững ngày càng hiệu quả như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; tập trung huy động nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân; triển khai có hiệu quả các nguồn hỗ trợ trong việc cho vay giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

Baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày