Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.532.498
Truy cập hiện tại 3.494
Đề xuất bổ sung trường hợp được miễn lệ phí môn bài
Ngày cập nhật 30/07/2019

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và người dân.

Miễn lệ phí đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập

Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đang kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có thực tế kinh doanh nhưng không kê khai đăng ký lệ phí, phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay cuối năm.

Tại công văn số 5116/BTC-CST, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 139/2016/NĐ-CP theo hướng: Miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm đầu tiên (từ ngày 01/01 đến 31/12 năm khởi sự kinh doanh) và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định miễn lệ phí đối với cơ sở mới thành lập và hoạt động, bổ sung khoản 8 Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về các trường hợp miễn phí gồm: “8. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm đầu tiên (từ ngày 01/01 đến 31/12 năm khởi sự kinh doanh)”.

Miễn lệ phí môn bài đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được nhiều công văn các địa phương (Hà Nội, Quảng Trị, Kon Tum, Kiên Giang, Bắc Kạn,....) đề nghị hướng dẫn vướng mắc về lệ phí môn bài đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập. Lý do, từ trước đến nay, các cơ sở giáo dục không phải nộp thuế môn bài, do không hoạt động kinh doanh.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ như sau: Hiện nay, đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đang được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất (đất đai, nhà cửa) và hoạt động chủ yếu bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và một phần từ nguồn thu qua học phí theo quy định để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giáo dục cho xã hội.

Dịch vụ giáo dục do các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp đang thực hiện theo mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, chưa tính đầy đủ chi phí theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 và khoản 1 Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, đa số các cơ sở giáo dục công lập đang hoạt động hiện nay đều không nhằm mục đích sinh lời.

Thực tế hiện nay các địa phương chưa thực hiện thu lệ phí, vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định như sau: 10. Miễn lệ phí môn bài đối với các trường phổ thông trung học, trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo (bao gồm cả công lập và ngoài công lập).

Theo Bộ Tài chính, về tác động dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước: Nếu số lượng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia khởi sự trong năm 2019 tương đương với năm 2018 (khoảng 147.209 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) thì với quy định miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp tổ chức mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm đầu tiên thì dự kiến số thu ngân sách nhà nước từ lệ phí môn bài giảm khoảng 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chính sách lệ phí môn bài có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp cũng như đời sống kinh tế - xã hội. Nếu quy định miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên thì sẽ giảm bớt thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp.

nguồn: baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày