Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.532.498
Truy cập hiện tại 3.998
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 09/7/2019 của HĐND tỉnh, khóa VII
Ngày cập nhật 17/09/2019

Liên quan đến Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 09/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, khóa VII, kỳ họp lần thứ 8 về kết quả giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 6701/UBND-TTr, có ý kiến như sau:

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh tăng cường giám sát đối với công tác thi hành án dân sự; chú trọng giám sát việc chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

2. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh:

- Chú trọng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, nhất là Luật Thi hành án dân sự đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên và nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, để mọi công dân nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác thi hành án dân sự, đảm bảo bản án có hiệu lực pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng quy định của pháp luật, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm.

- Đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật thi hành án dân sự, thi hành án hành chính với các hoạt động văn hóa truyền thống, các hoạt động tuyên truyền phổ biến các quy định của Hiến pháp, các chủ đề pháp luật về đất đai, biên giới biển, đảo; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; phòng, chống ma túy, hôn nhân gia đình, dân sự, hình sự… và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân.

- Đa dạng hóa nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp hài hòa các hình thức giáo dục pháp luật truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Lưu ý, cần khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu tuyên truyền pháp luật của người dân ở cơ sở, từ đó hướng dẫn, triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thi hành án dân sự, thi hành án hành chính phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

- Kiểm tra, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện; ban hành Quy chế hoạt động trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của các thành viên. Hàng năm, cấp kinh phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện (theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự); Có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho cơ quan Thi hành án dân sự (theo Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sựCông văn số 17558/CVLB-BTP ngày 19/12/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ quan thi hành án từ ngân sách địa phương).

- Bảo đảm kinh phí để triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nói riêng. Kinh phí được bố trí hàng năm phải đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ và việc triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn thể, người dân và doanh nghiệp.

4. Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp trên địa bàn tỉnh:

- Tăng cường công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

- Tham mưu tốt công tác thi hành án dân sự cho chính quyền mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự hai cấp; tiến hành đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thi hành các Bản án, Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và có điều kiện thi hành nhằm giảm án tồn đọng xuống mức thấp nhất; coi trọng biện pháp giáo dục thuyết phục, tự nguyện thi hành án của các tổ chức, công dân; kiên quyết tổ chức cưỡng chế đối với những đối tượng chây ỳ, trốn tránh, chống đối việc thi hành án; đồng thời, thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.

5. Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp trong việc tổ chức thi hành các Bản án, Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đối với các vụ việc trọng điểm, phức tạp có ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; các vụ án về tham ô, tham nhũng, có giá trị lớn và các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng… phải chủ động báo cáo nội dung vụ việc và công tác chuẩn bị lực lượng của cơ quan chức năng với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự trước khi tiến hành tổ chức cưỡng chế và khi thấy cần thiết thì Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp mình.

6. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ thực hiện các biện pháp thi hành án, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan kịp thời khi có yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, bảo đảm các Quyết định của cơ quan Thi hành án dân sự được chấp hành đúng quy định của pháp luật./.

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày