Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Người dân hưởng lợi từ chuyển đổi số
Ngày cập nhật 05/10/2022

Những tiện ích từ chuyển đổi số đã đem lại những lợi ích rõ rệt cho các doanh nghiệp, cá nhân đã nhanh hạy bắt kịp hướng đi này.

Chính phủ số là để phục vụ người dân tốt hơn. Kinh tế số là để người dân giàu hơn. Xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn. Do vậy chuyển đổi số là một hành trình dài đầy thách thức nhưng cũng đầy ý nghĩa.

Đó là khẳng định của các chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2022 với chủ đề về kinh tế số diễn ra ngày 15-4. Bằng các cơ chế chính sách ưu đãi "thực tế và thực sự hấp dẫn", TP.HCM xem đây là con đường nhanh nhất để phát triển kinh tế số nhanh và bền vững.

Ưu tiên trải nghiệm dịch vụ số

Bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết những hoạt động chuyển đổi mà TP.HCM đang hướng đến nhằm tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó các dịch vụ công sẽ được rút ngắn thời gian.

"TP.HCM đã số hóa toàn bộ hộ tịch và tiến tới thực hiện thủ tục cấp giấy khai sinh điện tử, giấy đăng ký kết hôn điện tử… Với doanh nghiệp là thanh toán điện tử và cấp hóa đơn điện tử", bà Trinh nói.

Bà Carolyn Turk, giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại VN, khẳng định đầu tư chuyển đổi số không chỉ giúp TP.HCM vượt qua được giai đoạn khó khăn của đại dịch mà còn định hướng phát triển lâu dài.

Theo bà, World Bank đánh giá rất cao việc hỗ trợ của TP.HCM dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy vẫn có khoảng trống giữa công nghệ với người tiêu dùng trong các trải nghiệm dịch vụ số hằng ngày như thanh toán, tiêu dùng, mua sắm… nên đây là lĩnh vực cần ưu tiên cải thiện hơn nữa.

"Khảo sát của chúng tôi cho thấy cứ 5 công ty ở VN chỉ có 1 công ty số hoàn toàn hoạt động vận hành. Việc sử dụng công nghệ 4.0 ở VN vẫn đang ở giai đoạn đầu nên chặng đường cho TP.HCM cũng như VN phía trước còn rất dài", bà Carolyn Turk nói.

Đồng thời cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ có 6 yếu tố cốt lõi gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, doanh nghiệp số, nền tảng công số, các dịch vụ tài chính số, kỹ năng, kỹ thuật số và cuối cùng là xây dựng niềm tin, an ninh mạng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Huy Dũng, thứ trưởng Bộ TT&TT, thời gian qua TP.HCM đã làm rất tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên muốn chất lượng tương đương các thành phố dẫn đầu trong khu vực phải nhanh chóng hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến với hệ thống một cửa điện tử đang phân tán thành một nền tảng giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, dùng chung trên phạm vi toàn thành phố.

 

"Nếu đột phá hơn, TP.HCM hãy tìm cơ chế cho phép nhiều bên, gồm cả các doanh nghiệp, cùng tham gia tối ưu hóa trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến. TP.HCM nên xác định mục tiêu là tối thiểu 70% hồ sơ xử lý trực tuyến và giảm 30% thời gian trung bình xử lý 1 thủ tục", ông Dũng gợi ý.

Người dân hưởng lợi từ chuyển đổi số - Ảnh 2.

Dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn sôi động qua ứng dụng số tại VN. Trong ảnh: các shipper đợi lấy thức uống tại cửa hàng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Doanh nghiệp, Nhà nước cùng chung tay

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng đại dịch COVID-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số.

Đây là cơ hội để TP.HCM triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số... "Đây cũng là định hướng phát triển mới của thành phố, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động", ông Nên khẳng định.

Theo ông Dương Thành Long, tổng giám đốc VNPT-IT, chuyển đổi số là chuyển đổi về mặt công nghệ kết hợp sự chuyển đổi về nhận thức, thay đổi về quy trình, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp... "Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp chính là đóng góp phần lớn động lực cho thúc đẩy kinh tế số quốc gia, địa phương", ông Long nói.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP, các chuyên gia tại diễn đàn kiến nghị TP.HCM cần các chính sách, giải pháp tạo nguồn lực phát triển các trụ cột của kinh tế số. Cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực số.

TP.HCM cũng cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng bằng các quy định, hấp dẫn thu hút các nguồn lực vào các dự án phát triển công nghệ số, hạ tầng số. Có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như tạo vốn kích cầu, ưu đãi giảm chi phí trong sử dụng dịch vụ công.

Đặc biệt cần có các chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) như hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư mạo hiểm, khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia với các công ty khởi nghiệp và hỗ trợ hệ sinh thái công nghệ tài chính...

Xuân Minh - Báo Tuổi Trẻ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.812.881
Truy cập hiện tại 4.173