Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hạ tầng kết nối cho cơ hội mới
Ngày cập nhật 07/12/2021

 Với các khu công nghiệp (KCN) tiếp tục ra đời và các dự án (DA) trọng điểm quốc gia đang triển khai trên địa bàn là cơ hội lớn để Thừa Thiên Huế tăng tốc phát triển trong thời gian đến. Tận dụng tốt những cơ hội này, hệ thống giao thông nội tỉnh, nhất là những “huyết mạch” đến các KCN cần được đầu tư sớm, đồng bộ.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan chuẩn bị đưa vào sử dụng mở đường cho hàng hóa từ các KCN La Sơn, Phú Bài, Phú Đa lưu thông thuận lợi

Không để lỡ cơ hội

Cuối năm 2019, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã quan tâm phối hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư DA Nhà ga T2 ở Cảng HKQT Phú Bài với tổng vốn 2.250 tỷ đồng (từ Quỹ đầu tư phát triển của ACV). DA gồm các hạng mục, nhà ga hành khách, hệ thống tường rào; đường giao thông, mở rộng sân đỗ máy bay, đáp ứng 8 vị trí đỗ máy bay; sân đậu ô tô và các hạng mục phụ trợ... Dự kiến vào cuối năm 2022, DA này sẽ đi vào hoạt động.

Trao đổi với ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài mới đây cho thấy, sân bay Phú Bài không chỉ có ý nghĩa về mặt kết nối giao thông mà với tầm vóc của một sân bay lớn nhất khu vực miền Trung, mở ra cơ hội cho hàng loạt lĩnh vực kinh tế khác trên địa bàn cùng phát triển, như công nghiệp, dịch vụ, logistics, du lịch và phát triển đô thị.

Mở rộng Tỉnh lộ 28 nối đường Phú Mỹ - Thuận An

Cùng với các DA của Trung ương đã, đang triển khai trên địa bàn, như hầm Hải Vân 2 kinh phí hơn 7.296 tỷ đồng vừa hoàn thành; các tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn đang đẩy nhanh thi công kết nối liên vùng thì mới đây Thừa Thiên Huế vừa quyết định thành lập thêm 3 KCN là: KCN Phú Bài (Hương Thủy) giai đoạn IV, đợt 1 với diện tích khoảng 85,87ha do Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển hạ tầng KCN làm chủ đầu tư kết cấu hạ tầng với kinh phí hơn 127 tỷ đồng; KCN Gilimex cũng thuộc KCN Phú Bài (Hương Thuỷ) có diện tích hơn 460ha do Công ty CP Khu công nghiệp Gilimex là chủ đầu tư hạ tầng với vốn khoảng 2.614 tỷ đồng và KCN Tứ Hạ giai đoạn 1 (Hương Trà) thuộc KCN Tứ Hạ với diện tích khoảng 37,6ha do Công ty CP Hello quốc tế Việt Nam làm chủ đầu tư với vốn khoảng 210 tỷ đồng.

Hàng loạt DA hạ tầng, KCN ra đời, những năm đến, động lực tăng trưởng của tỉnh sẽ được gia tăng khi các nhà đầu tư đổ vốn để tận dụng lợi thế từ hệ thống hạ tầng. Bởi thông thường một địa phương vừa có sân bay lại vừa có cảng biển, cùng nguồn lao động dồi dào sẽ thu hút rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư là điều dễ hiểu.

Số lượng đi đôi với chất lượng

Với những động lực phát triển lớn trong thời gian tới, một trong những yêu cầu cấp bách đối với Thừa Thiên Huế là phải nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, nhất là các “huyết mạch” đến các KCN để không bỏ lỡ thời cơ. Khi hệ thống giao thông nội tỉnh hiện đại, đồng bộ không chỉ giúp Thừa Thiên Huế nắm bắt cơ hội phát triển mà còn góp phần “cộng hưởng”, gia tăng thêm động lực phát triển.

Giám sát mặt đường chuẩn bị thảm nhựa cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua TP. Huế

Tuy vậy trước cơ hội phát triển, hệ thống giao thông địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều tỉnh lộ (TL) đến các KCN trên địa bàn hiện nay tạo “nghẽn” trong đi lại và thông lưu hàng hóa. Đơn cử như TL10 dài hơn 10km kết nối từ TP. Huế đến KCN Phú Đa (Phú Vang) hàng ngày lưu lượng người phượng tiện qua lại rất lớn nhưng vừa hẹp lại xuống cấp. Tương tự là TL16 qua địa bàn Hương Xuân, Hương Văn, Tứ Hạ kết nối từ vùng đồi Bình Điền về KCN Tứ Hạ (TX. Hương Trà) dài gần 20km lâu nay được mệnh danh “con đường đau khổ” vì xuống cấp đầy “ổ gà”, “ổ voi”. TL9 đi qua xã Phong Xuân, Phong An, thị trấn Phong Điền kết nối với KCN Phong Điền (Phong Điền) đang tạo nỗi ám ảnh cho người dân, phương tiện qua lại, nhất vào mùa mưa...

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, từ thực tế đó đơn vị đã nghiên cứu đề xuất đầu tư, mở rộng các tuyến đường hiện hữu để có cơ sở để đáp ứng phát triển hạ tầng giao thông toàn tỉnh trong tương lai. Đây là lĩnh vực mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tạo bước đột phá kinh tế - xã hội phát triển.

Mới đây, HĐND tỉnh thông qua thống nhất quy mô đầu tư nhiều DA giao thông trong giai đoạn 2021-2025, như đầu tư mở đường Tố Hữu (TP. Huế) nối dài đến sân bay Phú Bài dài 7km với kinh phí hơn 751 tỷ đồng đồng; mở rộng nâng cấp TL16 qua địa bàn Hương Trà dài gần 20km với hơn 396 tỷ đồng; mở rộng TL15 từ đường tránh Huế đến KCN Phú Bài dài gần 2km có mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng; đường khu phi thuế quan vào với khu cảng Chân Mây dài gần 2km với kinh phí 150 tỷ đồng; đường vành đai 3 phía tây TP. Huế dài 4,7km giai đoạn 1 với mức 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư đường ven biển dài hơn 100km từ Phong Điền đến Phú Lộc trong giai đoạn 1 với vốn khoảng 2.400 tỷ đồng... Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề xuất UBND tỉnh đầu tư nâng cấp các TL như TL 12, đường Thuận Hóa (Hương Thủy) dài 3,4km hướng kết nối đến KCN Phú Đa (Phú Vang)...

Vấn đề hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho các DA giao thông nói trên; trong đó có nhiều DA phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng là điều lãnh đạo các ban ngành, người dân quan tâm. Tuy nhiên, với cơ chế đặc thù để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 mà Chính phủ vừa thông qua là cơ hội cho địa phương có những cơ chế, chính sách tốt tạo động lực phát triển toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó sẽ huy động các nguồn lực “mở đường” kết nối tương lai.

Bài, ảnh: MINH VĂN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.381.378
Truy cập hiện tại 4.761