Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Nông dân bước vào vụ lúa hè thu
Ngày cập nhật 16/05/2023

Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, đồng thời vệ sinh, cải tạo đồng ruộng và gieo sạ vụ lúa hè thu 2023. Để vụ lúa hè thu đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, né rầy và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Nông dân xuống giống vụ lúa hè thu theo phương pháp sạ hàng.

XUỐNG GIỐNG ĐÚNG LỊCH THỜI VỤ

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vụ lúa hè thu xuống giống từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6/2023. Đồng thời, cơ cấu giống chủ lực sản xuất vụ hè thu đại trà là OM18, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, OM5451, ST24, ST25, OM4900, RVT, Hương Châu 6…

Tranh thủ những cơn mưa đầu mùa, nông dân trong tỉnh đã xuống giống khoảng 12.000ha lúa hè thu, tập trung chủ yếu ở huyện Hồng Dân và một phần huyện Phước Long.

Tại huyện Hồng Dân, đến thời điểm này các xã, thị trấn xuống giống hơn 7.700ha, đạt khoảng 85% diện tích. Hiện trà lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, phát triển rất tốt. Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: Vụ lúa hè thu năm nay, dự kiến nông dân trong huyện sẽ xuống giống dứt điểm khoảng trung tuần tháng 5.

Tại huyện Phước Long, nông dân đã xuống giống hơn 2.100/13.700ha diện tích lúa hè thu. Theo ông Trương Phước Hiền - Phó phòng NN&PTNT huyện, để vụ hè thu đạt hiệu quả, đơn vị khuyến cáo nông dân tranh thủ cải tạo đồng ruộng, xuống giống đúng theo lịch thời vụ. Riêng huyện Vĩnh Lợi, nông dân đã chủ động cày ải và xuống giống lúa hè thu được khoảng 1.500ha, tập trung ở các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A, Châu Thới…

Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc theo dõi tình hình thực tế từng tiểu vùng để các địa phương chủ động xuống giống đồng loạt đúng lịch thời vụ. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân khi xuống giống nên áp dụng “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” và xuống giống đồng loạt né rầy, dứt điểm vào đầu tháng 6/2023.

Nông dân huyện Phước Long cấy dặm lúa hè thu. Ảnh: M.Đ

BẢO VỆ CÁC TRÀ LÚA HÈ THU

Trước tình hình nắng nóng kéo dài làm đồng ruộng bị xì phèn ảnh hưởng đến lúa hè thu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nông dân cách khắc phục, bảo vệ các trà lúa. Trước hết, nông dân cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm vào ruộng lúa, đề phòng nhiễm phèn, mặn. Song song đó, cần áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ, gia cố bờ bao giữ nước, hạn chế thất thoát nước tưới. Tích cực bơm nước từ sông, kênh, mương hoặc giữ nước ngập ruộng từ 7 - 10cm để ngâm 2 - 3 ngày, sau đó tháo nước ra, để ráo mặt ruộng và bơm nước mới trở lại. Đối với các ruộng bị nhiễm phèn, mặn thì tiến hành thay đổi nước vài lần cho ruộng lúa. Bơm tháo nước giúp làm giảm độ chua, mặn trên ruộng và hạn chế ngộ độc phèn, mặn, ngộ độc hữu cơ cho cây lúa. Sau đó, bón vôi kết hợp với bón phân lân; sử dụng các loại phân bón lá giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu phèn, mặn, ngộ độc hữu cơ.

Hiện độ mặn ở một số tuyến kênh giáp ranh giữa Bạc Liêu - Sóc Trăng có dấu hiệu tăng, dao động từ 2 - 4%0. Huyện Hồng Dân chỉ đạo các xã, thị trấn ở vùng ngọt ổn định tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt và thường xuyên đo độ mặn ở các trục kênh thủy lợi trên địa bàn. Đóng toàn bộ những con đập thời vụ nằm trên tuyến Ngan Dừa, Ninh Hòa, Ninh Quới, Ninh Quới A - địa phận giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Gia cố lại các con đập nội đồng để trữ nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho sản xuất vụ hè thu.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, ông Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Hiện có một khối nước mặn nằm luồng phía dưới tại Tam giác Ninh Quới, huyện Hồng Dân. Khu vực này, nông dân xuống giống lúa được từ 40 - 60 ngày nhưng chưa bơm nước lên ruộng, sợ nước mặn ảnh hưởng lúa hè thu. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi điều tiết nước để rút khối nước mặn, đưa nước ngọt về cho nông dân xuống giống lúa hè thu, đảm bảo nước phục vụ sản xuất”.

MINH ĐẠT

Lịch xuống giống vụ lúa hè thu năm 2023

Theo lịch thời vụ lúa hè thu năm 2023 của ngành Nông nghiệp khuyến cáo, vụ hè thu sớm xuống giống từ ngày 25/4 - 5/5. Áp dụng cho các vùng có mùa mưa đến sớm và khu vực có lượng nước ngọt đảm bảo cho sản xuất. Cụ thể, phần lớn huyện Hồng Dân và một phần huyện Phước Long, ở vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm.

Hè thu chính vụ, thời gian xuống giống 2 đợt cho các vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm. Cụ thể, đợt 1, thời gian xuống giống từ ngày 5 - 20/5. Áp dụng cho các vùng mưa sớm, còn nguồn nước ngọt trong các kênh rạch, xuống giống thuận lợi, phần lớn gồm các huyện: Vĩnh Lợi, Hòa Bình, một phần huyện Phước Long, huyện Hồng Dân và TX. Giá Rai. Đợt 2, thời gian xuống giống từ ngày 20/5 - 5/6. Áp dụng cho những vùng có mùa mưa đến trễ, nguồn nước ngọt trong các kênh rạch ít, cần cải tạo đất, rửa phèn, rửa mặn, vùng không sản xuất vụ đông xuân hằng năm, gồm: Một phần xã Long Thạnh, xã Châu Thới, xã Châu Hưng A, thị trấn Châu Hưng, xã Hưng Hội và xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi); một phần thị trấn Hòa Bình, xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình); phần còn lại của huyện Phước Long, huyện Hồng Dân; xã Phong Tân, phường Láng Tròn, một phần Phường 1 (TX. Giá Rai); Phường 7, Phường 8 và Phường 1 (TP. Bạc Liêu)…

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung đồng loạt để né rầy. Cần theo dõi rầy nâu vào đèn 5 ngày liên tục, xuống giống ngay sau khi cao điểm rầy vào đèn giảm. Nếu những khu vực không xuống giống né rầy được do điều kiện đất đai, thời tiết, mùa vụ, khi phát hiện rầy nâu trưởng thành dị trú cần thực hiện biện pháp “che chắn” cây lúa non bằng cách đưa nước lên ruộng. Điều chỉnh mực nước ngập đến chảng ba cây lúa để hạn chế rầy nâu đeo bám, chích hút truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Sau khi mật số rầy giảm, tiến hành tháo cạn nước cho lúa phát triển.

M.C

Tỉnh Bạc Liêu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.409.267
Truy cập hiện tại 9.757