Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
"Tiếp sức" để hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp
Ngày cập nhật 18/05/2023

 

 

Sau khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh (HKD) lên doanh nghiệp (DN), hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN được thuận lợi hơn, đặc biệt là việc tiếp cận các chính sách, nguồn lực hỗ trợ.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp vận động, khuyến khích các HKD đủ điều kiện chuyển sang hoạt động theo hình thức DN. Qua đó, một số HKD đã chuyển đổi sang DN và hoạt động có nhiều thuận lợi hơn.

Huyện Gò Công Tây chúc mừng các HKD chuyển đổi lên DN.

*Nhiều thuận lợi

Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đông Nam Cai Lậy (thị xã Cai Lậy), do nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, qua nghiên cứu các văn bản pháp luật, DN nhận thấy khi hoạt động theo hình thức DN sẽ có nhiều lợi thế, ưu điểm so với HKD hiện hành. Do đó, HKD quyết định đăng ký chuyển đổi lên loại hình DN. Có thể thấy rõ, sau khi chuyển đổi, DN đã dễ dàng tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hơn. Đồng thời, khi có tư cách pháp nhân là DN, hàng hóa dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối hơn, dễ tiếp cận với nguồn vốn hay huy động vốn và hơn hết là có nhiều cơ hội liên doanh, liên kết hơn.

Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Ẩm thực Lúa Vàng (thị xã Cai Lậy), DN được thành lập từ năm 2017 với địa vị pháp lý ban đầu là HKD cá thể. Đến năm 2021, DN chính thức chuyển đổi từ HKD lên DN để thuận tiện cho việc mở rộng quy mô kinh doanh. Trong thời gian hoạt động dưới hình thức HKD, DN gặp một số khó khăn như: Quy mô chưa đủ lớn để có thể tham gia nhiều dự án lớn trong và ngoài tỉnh; khó mở rộng quy mô với nhiều chi nhánh hoạt động cùng một pháp nhân quản lý; tuyển dụng lao động và các chính sách ưu đãi cho lao động. Trước những khó khăn trên, đơn vị quyết định chuyển lên DN từ năm 2021. Trong quá trình hoạt động theo loại hình mới, DN gặp khá nhiều thuận lợi như: Mở rộng quy mô, chi nhánh; tạo cơ hội huy động nguồn vốn, tiếp cận nguồn vốn lớn hơn; dễ dàng tuyển dụng lao động có tay nghề cao...

Đối với Công ty TNHH Bà Hai Diễm (huyện Gò Công Tây) chuyên sản xuất các loại mắm từ thủy, hải sản. Cuối năm 2021, công ty bắt đầu chuyển đổi từ HKD lên DN. Bà Huỳnh Thị Diễm, Giám đốc Công ty TNHH Bà Hai Diễm cho biết: "Để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm của mình làm ra, khi mang danh nghĩa HKD, những tập đoàn muốn hợp tác sẽ không có nhiều lòng tin vào chất lượng sản phẩm. Do đó, khi được tuyên truyền, tôi mới mạnh dạn chuyển đổi từ HKD lên DN. Khi hoạt động theo hình thức DN, công ty cảm thấy tự tin hơn trong giao dịch, giới thiệu sản phẩm và quy mô sản xuất cũng từ đó phát triển hơn. Mặt khác, DN dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn từ các cơ quan, ban, ngành cũng như các điều kiện hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn...".

*Nhiều giải pháp hỗ trợ

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi hoạt động theo loại hình DN, các HKD sẽ có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, thuận tiện hơn trong các giao dịch dân sự, vay vốn ngân hàng. Đặc biệt là có cơ hội được mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao vị thế trên thương trường. Theo ghi nhận thực tế từ nhiều HKD chuyển sang DN, sau chuyển đổi, cơ hội làm ăn lớn hơn; tạo được niềm tin, uy tín với các đối tác mua hàng và cả nhà cung cấp, ký kết các hợp đồng thương mại lớn. Đặc biệt, số thuế phải nộp chỉ tính trên lợi nhuận, hoạt động kinh doanh có lãi mới phải nộp, lỗ thì không phải nộp, tạo sự công bằng cho người nộp thuế.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh số HKD chuyển đổi sang mô hình DN trong năm 2019 là 45 hộ, năm 2020 là 54 hộ, năm 2021 là 51 hộ, năm 2022 là 99 hộ. Qua số liệu trên cho thấy, việc chuyển đổi từ HKD sang hoạt động theo mô hình DN của tỉnh thời gian qua còn hạn chế. Số lượng các HKD chuyển thành DN chưa nhiều, trung bình khoảng 50 HKD/năm (trên tổng số khoảng 36.000 HKD có phát sinh thuế). Tuy nhiên, trong năm 2022, tình hình phát triển DN từ HKD có xu hướng gia tăng tích cực.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, công tác phát triển DN từ HKD luôn được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chú trọng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung phát triển DN từ HKD. Đặc biệt, trong năm 2023 này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND phát triển doanh nghiệp từ HKD trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; trong đó đề ra các chỉ tiêu phát triển DN từ HKD và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể. Điều này cho thấy sự quyết tâm của tỉnh trong việc phát triển DN từ HKD. Theo đó, năm 2023, tỉnh phấn đấu phát triển 140 DN từ HKD. Để cụ thể hóa mục tiêu này, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành có liên quan. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là tổ chức rà soát, lập danh sách HKD đủ điều kiện phát triển thành DN; tăng cường công tác quản lý đối với HKD trên địa bàn và giải pháp thứ hai là tổ chức vận động, tuyên truyền HKD phát triển thành DN. Bởi trên thực tế, nhiều HKD vẫn chưa thấy được lợi ích từ việc chuyển đổi lên DN. Để các HKD mạnh dạn chuyển đổi lên DN, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ HKD thực hiện các thủ tục đăng ký chuyển sang hoạt động theo loại hình DN, đặc biệt là triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN phát triển từ HKD.

M. Thành

 

Cổng thông tin điện tử Tỉnh Tiền Giang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.432.154
Truy cập hiện tại 949