Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Huyện Nam Đông sau 30 năm thành lập và phát triển
Ngày cập nhật 18/11/2020

Huyện Nam Đông được tách ra từ huyện Phú Lộc và tái lập lại vào tháng 10 năm 1990 (theo Quyết định 345/HĐBT, ngày 28/8/1990). Giai đoạn đầu mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn, tư tưởng của cán bộ đảng viên và nhân dân không an tâm xây dựng Nam Đông, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số muốn du canh du cư, đồng bào kinh thì vào miền Nam sinh sống. Giao thông liên xã, liên thôn, đường tỉnh lộ 14b đang còn đất đá; cơ sở hạ tầng, điện lưới quốc gia và nước sạch chưa có; nền kinh tế chủ yếu tự cung - tự cấp, bình quân lương thực 153kg/người/năm, đời sống nhân dân khó khăn, thường xảy ra nạn đói giáp hạt; thu ngân sách chỉ đạt 257 triệu đồng. Lĩnh vực giáo dục- đào tạo còn yếu về chất lượng, tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi còn cao, trường học chủ yếu tranh tre nứa lá; phương tiện thông tin đại chúng còn thiếu, sóng truyền hình chưa có; dịch bệnh sốt rét kéo dài nhiều năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao; các tập tục lạc hậu còn nặng nề; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phức tạp; đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã thiếu và yếu. Tổng số đảng viên toàn huyện chỉ có 474 đồng chí; thiên tai, lũ lụt liên tiếp xảy ra đã tàn phá, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và nhân dân toàn huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, luôn bám sát Nghị quyết của Đảng, xây dựng Nam Đông phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng khá qua từng nhiệm kỳ.

Về kinh tế: So sánh từ khi tái lập huyện đến năm 2010: Tốc độ tăng tưởng kinh tế tăng hơn 4,3 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 10 lần, thu ngân sách tăng gần 40 lần. Đến năm 2020 so với năm 2010: Tổng giá trị sản xuất tăng 2,74 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 3,67 lần; thu ngân sách tăng 2,8 lần; tốc độ tăng tưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng 10,39 lần. Đến nay, đã định hướng phát triển sản xuất tập trung, trang trại; xác định được cây chủ lực như cam Nam Đông, cây có múi, chuối đặc sản, dứa, ổi, cau, cao su, cây keo...Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống được thực hiện rộng rãi trên các lĩnh vực, đạt được những kết quả khả quan. Dịch vụ, du lịch từng bước phát triển như thương mại, viễn thông, vận tải, nhà nghỉ; đã hình thành các cụm công nghiệp; ngành may từng bước mở rộng,... Các thủy điện Thượng Lộ, Thượng Nhật đã đi vào hoạt động; cơ sở hạ tầng đã được đầu tư kiên cố; điện chiếu sáng, nước sạch đã đến hầu hết hộ gia đình; đường giao thông đã rãi nhựa và bê tông đến các xã, liên thôn, vào vùng sản xuất; tuyến đường trung tâm huyện, La Sơn - Nam Đông, La Sơn - Tuý Loan rất khang trang; kè chống sạt lở dọc sông Tả Trạch đã đầu tư. Doanh nghiệp tư nhân từ chỗ chưa có, đến nay có hơn 52 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa xã hội phát triển.

 Văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội được chú trọng phát triển khá, đồng bộ, cụ thể một số kết quả nổi bật: Hệ thống giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từ chỗ chưa có gì, đến nay đã được đầu tư xây dựng, trang cấp đồng bộ hóa, hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu dạy, học. Đến nay, toàn huyện có 25/28 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I (5 trường đạt mức độ II); có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng những năm đầu mới tái lập huyện rất cao (năm 1995 tỷ lệ suy dinh dưỡng là 50%, đến năm 2020 giảm còn dưới 10%); tỷ lệ hộ nghèo năm 1995 chiếm 21,2%, đến nay còn dưới 5%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân, các đơn vị tích cực hưởng ứng thực hiện. Các thiết chế văn hoá được đầu tư, hầu hết các thôn, tổ dân phố đều có nhà sinh hoạt cộng đồng; đến nay có 100% xã, thị trấn phủ sóng truyền thanh, truyền hình; các hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên được tổ chức. Chính sách an sinh xã hội và các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chăm lo người có công, …được triển khai kịp thời và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và phát triển xã hội. 

An ninh, quốc phòng được tăng cường, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, bảo đảm sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ ngày càng đi vào nề nếp. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội đạt nhiều thành quả tốt, chính trị ổn định.

Hệ thống chính trị không ngừng được chăm lo xây dựng, đội ngũ cán bộ từng bước được trưởng thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới ở địa phương. Số lượng đảng viên tăng lên nhiều lần so với thời điểm tái lập huyện (năm 1994 toàn huyện có 474 đảng viên, đến nay có 2023 đảng viên); hiện nay 100% thôn, tổ dân phố có chi bộ và tỷ lệ đảng viên làm thôn trưởng đạt trên 65%. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xử lý nghiêm đảng viên và tổ chức đảng vi phạm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; dân chủ xã hội được mở rộng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương đều được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc.

Bộ máy công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể không ngừng được củng cố, kiện toàn theo đúng chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước. Đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, đào tạo đạt chuẩn, được trang bị điều kiện làm việc tốt hơn. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đến nay được áp dụng rộng rãi từ huyện đến cơ sở. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên chặt chẽ theo phân cấp quản lý; các khâu của công tác cán bộ được thực hiện đúng quy trình, quy định và từng bước đi vào nề nếp.

Nhìn lại quá trình sau 30 năm tái lập huyện và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tuy có mặt chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư và tiềm năng lợi thế của huyện, nhưng có thể khẳng định sự chuyển biến khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đã góp phần thay đổi diện mạo của một huyện miền núi. Đến năm 2005 được Nhà nước phong tặng huyện “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”, đến cuối năm 2020 có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đạt được những thành tựu quan trọng đó, trước hết Đảng bộ đã bám sát và cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để chỉ đạo phù hợp với tình hình địa phương; truyền thống đoàn kết trong toàn Đảng bộ và nhân dân được phát huy và đồng thuận cao; Ban Chấp hành Đảng bộ khóa sau đã kế thừa những định hướng, sản phẩm trí tuệ của khóa trước.

 Những thành tựu quan trọng qua 30 năm xây dựng và phát triển, là nền tảng, là động lực để Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Nam Đông rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyết tâm cao để xây dựng Nam Đông phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành huyện nông thôn mới, chung sức cùng cả tỉnh hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Nguyễn Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.432.154
Truy cập hiện tại 1.082