Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Nâng chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp
Ngày cập nhật 18/02/2022

TTH - Phú Vang tập trung nhiều giải pháp để nâng chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

  •  
 

Nông dân Phú Diên cải tạo ao hồ, nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản

Thay đổi tập quán canh tác

Những ngày này, người nông dân xã Vinh Hà đang ở một tâm thế mới, phấn khởi, tự tin, bởi ngay trên cánh đồng hơn 150ha của họ, đang thực hiện mô hình hoàn toàn mới - mô hình “không dấu chân” vụ lúa đông xuân 2022.

Lúa đang đầy sức sống ở thời kỳ đẻ nhánh. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phú Vang cho biết: Huyện tăng cường tổ chức quảng bá, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, là trung tâm kết nối giữa đối tác và đơn vị sản xuất. Theo đó, xã Vinh Hà và tập đoàn Lộc Trời đã “bắt tay” liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với giống lúa chất lượng cao, thực hiện theo mô hình mới.

Với mô hình “không dấu chân”, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đều dùng thiết bị máy bay không người lái, là sự tăng cường công nghệ trong nông nghiệp, đảm bảo về mặt tiến độ, tính kịp thời và hiệu quả trong xử lý sâu bệnh, tiết kiệm về thuốc, công sức, đồng thời thực hiện được trên quy mô rộng mà không cần kéo dài thời gian và nhiều sức người; là “chìa khóa” giải quyết vấn đề thiếu lao động (số lượng lớn thanh niên địa phương lựa chọn làm công nhân, làm thợ tại các tỉnh khác) và lao động già trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đây là mô hình trình diễn, mục đích để người nông dân nhận thức rõ về sản xuất quy mô lớn, tính đồng bộ trong điều hành, quản lý, điều tiết tất cả các khâu như thủy lợi, làm đất, giống, vật tư…, mang tính chủ động, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời, người sản xuất chủ động định lượng được sản phẩm của mình, ổn định, bền vững. Qua đó, người nông dân không chỉ thay đổi tập quán trong canh tác mà còn thay đổi tập quán về thị trường, đầu ra khi hiểu rõ mình cần trồng cây gì hiệu quả, bán cho ai, ở đâu.

"Mục tiêu cao nhất là nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân. Trước đây, huyện cũng đã thử nghiệm trên quy mô nhỏ tầm 5-7ha tại các xã Phú Hồ, Phú Lương, Phú Mỹ đối với từng giai đoạn phát triển của cây và đã thấy tính ưu việt. Do đó, sau khi thành công ở Vinh Hà, mô hình này sẽ được nhân rộng trên toàn huyện” - ông Đoàn Thao, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết.

 “Nâng hạng” sản phẩm

Huyện Phú Vang cũng quy hoạch 1 vùng lớn tại xã Vinh Phú để trồng ngô sạch, phục vụ du lịch. Giữa tháng 2/2022, đối tác đã đến Vinh Phú cùng bàn bạc để đi đến thống nhất, ký hợp đồng chọn giống ngô và quy hoạch vùng sản xuất. Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ tập huấn để người nông dân đảm bảo kỹ thuật quy trình sản xuất. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, phù hợp với chủ trương của tỉnh. Đồng thời, với những mô hình mới, Phú Vang duy trì và nhân rộng sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Viet GAP, chất lượng cao.

Theo đó, ngoài lúa hữu cơ ở xã Phú Lương, Phú Mỹ, gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng cao với tổng diện tích khoảng 500ha trên địa bàn toàn huyện, Phú Vang đang quy hoạch và đưa vào sản xuất vùng rau sạch tại xã Vinh Thanh. “Nâng hạng” những sản phẩm OCOP trên địa bàn (nước mắm Phú Thuận từ 3 sao lên 4 sao đạt chuẩn quốc gia; gạo Phú Hồ từ 3 sao lên 4 sao)… Phú Vang cũng đang xây dựng mới các sản phẩm OCOP như mắm dưa cà Vinh An, nấm rơm Phú Lương.

Đối với sản xuất nuôi trồng thủy sản, căn cứ Nghị quyết của Huyện ủy và đề án sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, huyện đã xây dựng mô hình nuôi thủy sản chất lượng cao, theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vinh Hà trên diện tích gần 7ha với các đối tượng như tôm, cá đối, cá dìa, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó sẽ nhân rộng mô hình. Một số địa phương như Vinh Xuân, Vinh Thanh đã chủ động đầu tư tôn tạo ao hồ, đầu tư các hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo để nâng cao chất lượng tôm, cá. “Khung lịch thời vụ kết thúc vào 30/9 hàng năm. Nhưng nếu hệ thống ao hồ, lưới chắn đảm bảo khả năng chống chịu được mưa lũ, người dân nuôi cá vượt lũ, giá trị thủy sản cao” - ông Nguyễn Thành Nhân nói.

Để phát huy giá trị đánh bắt thủy sản - lợi thế phát triển kinh tế của Phú Vang, địa phương tiếp tục vận động ngư dân chuyển đổi nghề để đánh bắt có hiệu quả. Theo đó, nghề rê cản truyền thống kém hiệu quả được vận động chuyển đổi sang nghề rê hỗn hợp, rê mực khơi, rê cá hố… Để đánh bắt hiệu quả các loại thủy sản giá trị cao trong đánh bắt xa bờ, ngư dân cần đầu tư cải tiến ngư lưới cụ, đầu tư máy móc, công nghệ (như máy dò ngang), đòi hỏi sự mạnh dạn, quyết tâm. Vinh Thanh đã làm tốt điều này và hiệu quả đã “lan tỏa” ra Phú Hải, một số bộ phận ngư dân trên toàn huyện.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

 

Thừa thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.432.154
Truy cập hiện tại 1.494