Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Sa Thầy: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế tập thể
Ngày cập nhật 14/03/2022

Thời gian qua, huyện Sa Thầy chú trọng vận động tuyên truyền người dân, nhất là các thành viên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tận dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để chủ động trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao. Qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Ông Giả Tấn Đạt -Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết: Huyện Sa Thầy có nhiều xã đặc biệt khó khăn, tỉ lệ  người DTTS cao, nhiều bà con còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là khi được vận động, tuyên truyền tham gia các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để liên kết sản xuất, người dân chưa phát huy được sự chủ động, sáng tạo của mình để tận dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ. Xác định kinh tế tập thể là một trong những thành phần quan trọng giúp giảm nghèo hiệu quả, thời gian qua, ngoài việc tích cực hỗ trợ các nguồn lực, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương tập trung phát triển chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; tận dụng tốt các nguồn lực được hỗ trợ như cây, con giống, kĩ thuật để canh tác hiệu quả, tránh gây lãng phí, thất thoát.

Đến nay, toàn huyện có 18 HTX, trong đó, có 15 HTX đang hoạt động theo Luật HTX 2012, thu hút 153 thành viên và người lao động tham gia; doanh thu bình quân/HTX/năm khoảng 230 triệu đồng; lợi nhuận bình quân/HTX/năm khoảng 41,4 triệu đồng; thu nhập của thành viên/năm khoảng 24,8 triệu đồng; có 8 THT với 38 thành viên và người lao động tham gia.

Các HTX, THT trên địa bàn đã từng bước phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó xuất hiện một số HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần tạo được niềm tin, triển vọng phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn. Một trong số đó có thể kể đến mô hình trồng nghệ đỏ của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thuận Phát (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy). Dù mới được thành lập nhưng hiệu quả bước đầu của mô hình đã tạo sự lan tỏa trong nếp nghĩ, cách làm của người dân địa phương trong liên kết sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhất là đối với các hộ là người DTTS. 

Hệ thống phơi khô tinh bột nghệ tự sáng chế của anh Phạm Văn Cầu. Ảnh: HT

 

Anh Phạm Văn Cầu -Chủ nhiệm HTX cho biết: “HTX được thành lập từ tháng 4/2021, hoạt động trong lĩnh vực thu mua nghệ và cung cấp giống nghệ cho địa phương. HTX hiện thu hút được 18 thành viên là các hộ DTTS ở 2 thôn Bình Tây và Kà Bầy (xã Sa Bình). Từ khi mới thành lập và triển khai mô hình trồng nghệ đỏ, các thành viên được cung cấp kiến thức, cây giống miễn phí, được chính quyền địa phương tổ chức 2 lớp tập huấn, mời các chuyên gia về dạy cách trồng nghệ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nghệ để nâng cao chất lượng, không bị thất thoát nguyên liệu. Dù mới thành lập nhưng sản phẩm tinh bột nghệ của HTX hiện đã đạt 3 sao OCOP cấp huyện, đó cũng là động lực để các thành viên của HTX tiếp tục cố gắng”.

Anh A Yieng vui mừng vì trồng nghệ không tốn nhiều công chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Ảnh: HT

 

Anh A Yieng, thành viên của HTX tại thôn Kà Bầy, xã Sa Bình cho biết: “Cây nghệ đối với địa phương là loại cây có giá trị về dược liệu, thực phẩm, được sử dụng hàng ngày và nhu cầu thị trường cũng cao. Được chính quyền địa phương tuyên truyền và hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, tôi luôn tích cực áp dụng những kiến thức học được để chăm sóc tốt cho diện tích nghệ hiện có của gia đình. Nhờ đó, gần 1 ha nghệ của gia đình phát triển nhanh chóng, đạt năng suất cao”.

Ông Giả Tấn Đạt cho biết, thời gian qua, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện chưa phát triển như kỳ vọng nhưng sự hình thành và hoạt động của các THT, HTX đã có tác dụng thúc đẩy, đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Trong đó, các mô hình hỗ trợ HTX phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các thành viên đã thực sự phát huy hiệu quả, từng bước tạo được niềm tin, động lực để các thành viên, nhất là người DTTS từng bước vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Thời gian đến, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các thành viên của các THT, HTX trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ cách làm trong sản xuất; từng bước giáo dục nâng cao nhận thức về HTX, phát triển kinh tế tập thể để người dân chủ động sử dụng hợp lý các nguồn lực được hỗ trợ, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, đánh giá đúng về số lượng, chất lượng hoạt động để từ đó có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là trong khâu liên kết và tiêu thụ sản phẩm. 

Hoàng Thanh

Kon Tum
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.432.154
Truy cập hiện tại 776