Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Đồng bào dân tộc thiểu số thi đua sản xuất để thoát nghèo
Ngày cập nhật 24/03/2022

Chiếm gần 80% dân số toàn huyện, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Yên Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

 

Cán bộ Hội Nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu hướng dẫn người dân chăm sóc mận hậu.

 

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân huyện, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Vì Văn Số, dân tộc Xinh Mun, bản Bó Rôm, xã Phiêng Khoài. Liên tiếp nhiều năm, ông là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Trước đây, gia đình ông có nhiều đất nhưng vẫn khó khăn. Năm 2016, ông tập trung cải tạo 2 ha đất, chuyển từ trồng ngô sang trồng mận, chanh leo, xoài. Ông Số chia sẻ: Được cán bộ Hội nông dân xã hướng dẫn cách thức chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả và tham gia trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ khác trên địa bàn, vườn cây ăn quả của gia đình ngày càng phát triển tốt và trở thành nguồn thu nhập chính; trung bình mỗi năm thu trên 35 tấn quả các loại. Có vốn tích lũy, tôi đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi 5 con bò sinh sản và 3 con lợn nái. Từ vườn cây ăn quả và chăn nuôi, mỗi năm gia đình thu nhập với mức ổn định gần 200 triệu đồng.

 

Cũng là tấm gương nông dân DTTS sản xuất giỏi, ông Lò Văn Xum, bản Nặm Ún, xã Chiềng Đông lại làm giàu với mô hình ương nuôi cá giống. Ông Xum cho biết: Gia đình tôi tận dụng nguồn nước, đắp ao nuôi cá thương phẩm. Nhận thấy nhu cầu cá giống tại địa phương khan hiếm, phải nhập từ các địa phương khác, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, gia đình đã đào ao, mở rộng quy mô, gây dựng thành trang trại chuyên ương nuôi và cung cấp cá giống. Đến nay, trại cá giống của gia đình có trên 3.000m² mặt nước nuôi cá với 6 ao ương nuôi cá giống theo từng giai đoạn, chủ yếu các loại như cá trôi, trắm, chép, mè... Bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 60-70 vạn con cá giống các loại với giá bán trung bình từ 70-80 đồng/con cá ương, 300 đồng/con cá giống trên 1 tháng tuổi. Sau khi trừ chi phí thu về trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn hỗ trợ các hộ có nhu cầu nuôi cá theo hình thức trả chậm, khi xuất bán mới phải trả tiền gốc, không tính lãi.

 

Gia đình ông Vì Văn Số và ông Lò Văn Xum là 2 điển hình trong số nhiều nông dân DTTS của huyện Yên Châu dám nghĩ, dám làm trong sản xuất, phát triển kinh tế. Điều đáng mừng là cách nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS nơi đây đã khác, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Bà con thay đổi được nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu sang sản xuất hàng hóa; tích cực phát huy thế mạnh của địa phương, giúp nhau vốn, vật tư, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Năm 2021, toàn huyện có hơn 2.100 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó có gần 900 hội viên nông dân người DTTS đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tiêu biểu như: Mô hình trồng xoài kết hợp chăn nuôi bò của hộ ông Quàng Văn Minh, bản Tà Vài, xã Chiềng Hặc; mô hình trồng mận hậu, chanh leo của hộ ông Dừ Lao Tang, bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài; mô hình trồng xoài Đài Loan, nhãn chín muộn của hộ ông Lừ Văn Sướng, bản Boong Xanh, xã Chiềng Pằn... thu nhập bình quân từ 200-450 triệu đồng/năm.

 

Mô hình nuôi ương cá giống của hộ ông Lò Văn Xum, bản Nặm Ún, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu.

 

Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, chia sẻ: Để phong trào thi đua sản xuất trong đồng bào DTTS lan tỏa, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, khả năng cạnh tranh cao gắn với thị trường; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tham quan mô hình sản xuất hiệu quả; liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất. Đến nay, Hội nông dân các cấp nhận ủy thác  hơn 110  tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 2.600 hội viên vay; tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn hơn 5,8 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 290 nghìn cây giống cây ăn quả, hơn 7.600 con giống các loại và gần 100 tấn phân bón cho 2.423 hộ đồng bào DTTS. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS của huyện giảm bình quân 2,5-3%.

 

Với lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển sản xuất nông nghiệp, cộng với sự nỗ lực của hội viên nông dân đồng bào DTTS huyện Yên Châu, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện ngày càng lan tỏa, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

 

 

Sơn La
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.415.801
Truy cập hiện tại 151