Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Công an đứng nhìn tội phạm: Vô cảm, trốn tránh hay yếu kém nghiệp vụ?
Ngày cập nhật 18/05/2021

Đánh giá việc đại úy công an đứng nhìn người dân vật lộn với kẻ sát nhân trốn truy nã là hết sức phản cảm, song các chuyên gia pháp lý lại có nhiều ý kiến khác nhau về hình thức kỷ luật cán bộ này.

Như tin đã đưa, Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) vừa ra quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với Đại úy Nguyễn Văn Lâm (cán bộ Công an xã Cự Khê) vì thiếu trách nhiệm, thờ ơ khi chứng kiến nghi phạm Đặng Phạm Sáu (SN 1970, ở Thanh Hóa) dùng dao đâm trọng thương tài xế taxi.

Ngoài việc kỷ luật với hình thức cảnh cáo, Công an huyện Thanh Oai còn điều chuyển Đại úy Nguyễn Văn Lâm về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp công an huyện.

Sau khi thông tin trên được công bố, nhiều chuyên gia có những ý kiến trái chiều về hình thức kỷ luật này.

Đại úy công an yếu kém về nghiệp vụ?

Theo dõi vụ việc qua video clip trên mạng xã hội, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) bày tỏ sự bất bình khi Đại úy Lâm đã không làm việc cần phải làm của người chiến sĩ công an.

 

Công an đứng nhìn tội phạm: Vô cảm, trốn tránh hay yếu kém nghiệp vụ? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Đại úy Nguyễn Văn Lâm thản nhiên đứng gọi điện thoại khi người dân vật lộn với tội phạm khi cơ thể bị thương, chảy đầy máu.

Theo Trung tá Hiếu, trong tình huống khẩn cấp của vụ việc, Đại úy Lâm chỉ đứng nhìn và bấm điện thoại, không hề tham gia hỗ trợ người dân bắt tội phạm. Đáng nói hơn, khi đó tài xế taxi còn đang bị thương, máu chảy rất nhiều. Đó là một hành động vô cùng phản cảm, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân.

"Dư luận có quyền đánh giá rằng chiến sĩ nọ đã bàng quan, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc và xứng đáng với hình thức kỷ luật loại ngũ.

Bên cạnh rất nhiều tấm gương cán bộ chiến sĩ công an dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, quả cảm đối diện với hiểm nguy để bảo vệ nhân dân, hành động tại hiện trường của Đại úy Lâm khiến chính anh em trong lực lượng công an cũng cảm thấy bức xúc, khó chấp nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp hy hữu." - Trung tá Đào Trung Hiếu bày tỏ quan điểm.

Cũng theo Trung tá Hiếu, Đại úy Lâm có thể không phải vô cảm, thiếu trách nhiệm, mà trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống của cán bộ này quá yếu kém.

"Kết quả xác minh của Công an TP Hà Nội xác định Đại úy Lâm đã gọi điện thoại về công an xã xin chi viện lực lượng đến hỗ trợ bắt đối tượng chứ không phải là không có động thái gì. Do đó có thể loại trừ nguyên nhân từ thái độ vô trách nhiệm trước công việc, thờ ơ bỏ mặc người dân trong cơn nguy cấp.

Có thể thấy Đại úy Lâm đã xử lý tình huống rất thiếu chuyên nghiệp, vì đó là trường hợp khẩn cấp, nạn nhân đã bị thương, đang cố gắng vật lộn để bắt giữ đối tượng, sự hỗ trợ từ bên ngoài lúc đó là vô cùng cần thiết.

Với trách nhiệm công vụ, lẽ ra Đại úy Lâm phải ngay lập tức xông vào hỗ trợ đánh, bắt, khống chế đối tượng. Nếu khó khăn, có thể kêu gọi người đi đường tham gia giúp sức khóa, trói tên tội phạm. Sau khi khống chế thành công mới gọi điện cho đơn vị cử người ra tiếp nhận.

Tuy nhiên, Đại úy Lâm đã không có những thao tác cần thiết, thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ, lúng túng, bị động, không mưu trí, dũng cảm trong giải quyết công việc." - Trung tá Hiếu nhận định.

 

Công an đứng nhìn tội phạm: Vô cảm, trốn tránh hay yếu kém nghiệp vụ? - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Trung tá Đào Trung Hiếu.

Theo Trung tá Hiếu, công an phải là hiệp sĩ bảo vệ người dân. Trong tình huống người dân đang bị uy hiếp nghiêm trọng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, người chiến sĩ công an không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc dũng cảm đối diện với tội phạm với tâm thế sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để cứu dân ra khỏi hiểm nguy.

"Bằng nghiệp vụ và võ thuật đã được trang bị, người lính phải tính toán rất nhanh phương án tiếp cận, đánh bắt để giải quyết tình huống. Không có chỗ cho sự nhút nhát, sợ hãi, chần chừ hay trốn tránh trách nhiệm lúc này. Đã làm nghề này phải chấp nhận tất cả vì nhiệm vụ. Còn sợ thì hãy xin ra khỏi ngành!" - ông Hiếu nêu quan điểm.

Cảnh cáo có thỏa đáng?

Về hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với Đại úy Nguyễn Văn Lâm, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, đó là biện pháp cần thiết để siết chặt kỷ cương, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của ngành công an là không bao che, dung túng cho sai phạm, tiêu cực. Kỷ luật để giáo dục cán bộ, để khắc phục hạn chế, nhằm làm tốt hơn công việc được giao.

"Tôi đánh giá mức kỷ luật cảnh cáo là thỏa đáng, tạo điều kiện cho Đại úy Lâm có cơ hội sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Đây còn là bài học kinh nghiệm cho cán bộ chiến sĩ trong lực lượng về ý thức trách nhiệm công vụ và kỹ năng xử lý tình huống đột xuất" - ông Hiếu nói.

Không đồng quan điểm với Trung tá Đào Trung Hiếu, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - lại cho rằng, quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với Đại úy Nguyễn Văn Lâm là chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với mức độ vi phạm.

 

Công an đứng nhìn tội phạm: Vô cảm, trốn tránh hay yếu kém nghiệp vụ? - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Luật sư Tạ Anh Tuấn.

Luật sư Tuấn viện dẫn Điều 3 và mục 15 - Điều 16 của Luật Công an nhân dân quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công an nhân dân: "Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ lực, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác để tấn công, truy bắt tội phạm, ngăn chặn người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác và để phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật".

"Như vậy, theo quy định, khi xảy ra tình huống đối tượng cướp taxi, nhiệm vụ của Đại úy Nguyễn Văn Lâm được pháp luật cho phép sử dụng công cụ hỗ trợ để tấn công, trấn áp, truy bắt ngăn chặn đối tượng đang có hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, Đại úy Lâm chưa thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của công an nhân dân, chưa thực hiện theo đúng 6 điều bác Hồ dạy công an nhân dân" - ông Tuấn nói.

Ngoài ra, luật sư Tuấn cũng viện dẫn Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng". Để thỏa mãn tội danh này, bắt buộc hậu quả chết người xảy ra mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Trong vụ việc này, mặc dù Đại úy Lâm không có hành động nào giúp đỡ, cứu giúp tài xế taxi, nhưng rất may đối tượng đã bị khống chế và hậu quả chết người chưa xảy ra. Đại úy Nguyễn Văn Lâm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự" - luật sư Tuấn nêu quan điểm.

Tiến Nguyên

https://dantri.com.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.432.154
Truy cập hiện tại 5.169