Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán
Ngày cập nhật 14/05/2019

Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực do các quy định, chế độ về kế toán, kiểm toán ngày càng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đồng thời tiếp cận với thông lệ quốc tế. Nhìn lại kết quả 10 năm qua trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, từ đó có những định hướng phát triển trong thời gian tới nhằm hướng đến phát triển toàn diện hệ thống kế toán, kiểm toán và nâng cao chất lượng của các thông tin phục vụ hoạt động điều hành của Chính phủ là nội dung chia sẻ của Ông Vũ Đức Chính, Cục Trưởng, Cục Quản lý Giám sát Kế toán - Kiểm toán với Cổng TTĐT Bộ Tài chính.

C:\Users\tranthiphuonglan\Desktop\_HMT2783.JPG

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng, Cục Quản lý Giám sát Kế toán - Kiểm toán

Thưa Cục trưởng, lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã đạt được những thành tựu nổi bật nào trong giai đoạn 2011-2020?

Ông Vũ Đức Chính: Trong gần 10 năm qua, lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã có sự cải cách và tiến bộ rất lớn trong hệ thống văn bản pháp lý về kế toán kiểm toán, đã tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước nhằm thỏa mãn yêu cầu thông tin cho việc huy động, hỗ trợ, quản lý và điều hành các nguồn lực tài chính và các hoạt động kinh tế - tài chính của đất nước.

Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán phải kể đến: Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 và các văn bản hướng dẫn Luật đảm bảo việc công tác quản lý hành nghề kiểm toán theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trong đó, đã cập nhật và ban hành mới hệ thống 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kiểm toán. Ngoài ra, Luật kế toán năm 2015 tạo cơ sở cho việc tiếp cận tối đa nguyên tắc quốc tế về kế toán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, góp phần hoàn chỉnh khung pháp lý đầy đủ về kế toán, áp dụng các thông lệ quốc tế; lập báo cáo tài chính nhà nước; đặc biệt hỗ trợ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Những nỗ lực tiếp đó phải đề cập đến là vai trò và năng lực quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán từng bước được nâng cao, công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán được đẩy mạnh; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán được tăng cường. Bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán đã được củng cố. Theo đó Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán đã được Chính phủ nâng cấp thành Cục quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, tạo cơ sở để đẩy mạnh thực hiện chức năng quản lý giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán.

Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được đẩy mạnh như việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Ngoài ra, xây dựng ngân hàng dữ liệu để công bố, công khai thông tin về hành nghề kế toán, kiểm toán phục vụ nhu cầu của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân khác.

Đặc biệt, sự phát triển của thị trường dịch vụ kiểm toán, kế toán được nâng cao về chất lượng và quy mô hoạt động. Thông qua hoạt động này đã góp phần lành mạnh hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch của các hoạt động kinh tế, tài chính của nền kinh tế - xã hội.

? Theo nhận định của Cục trưởng, lĩnh vực kế toán, kiểm toán còn gặp phải những tồn tại hạn chế nào?

Ông Vũ Đức Chính: Theo tôi, một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán phải kể đến như: Chuẩn mực Kế toán Việt Nam chưa được cập nhật theo thông lệ quốc tế (IFRS), làm hạn chế tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Cơ chế giám sát và thực thi việc tuân thủ chuẩn mực kế toán, kiểm toán chưa đầy đủ, nguồn lực phục vụ giám sát còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt các tổ chức cá nhân trong hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán chưa đủ mức răn đe. Ngoài ra, yêu cầu của nhà đầu tư trong chất lượng của dịch vụ kế toán, kiểm toán chưa cao, ảnh hưởng đến việc lựa chọn công ty kiểm toán và cạnh tranh giá phí không lành mạnh.

Ông có thể chia sẻ về định hướng phát triển lĩnh vực kế toán, kiểm toán nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030?

Ông Vũ Đức Chính: Hướng đến mục tiêu phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng của các thông tin kinh tế, tài chính, ngân sách do kế toán, kiểm toán cung cấp thông tin tin cậy phục vụ hoạt động điều hành của Chính phủ, thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư phát triển phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Trong giai đoạn 2021-2030 chúng tôi cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu mới đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn này.

Trước tiên, chúng tôi tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam nhằm tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đồng thời góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi. Một nội dung hết sức quan trọng được các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phần hóa DN của Việt Nam hiện nay là vấn đề minh bạch thông tin, do đó, chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu để cụ thể hóa các trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch hoá tình hình tài chính của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư đối với báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chuẩn mực kế toán, kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Nghiên cứu sửa đổi chế tài xử lý vi phạm của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán và người hành nghề kế toán, kiểm toán đảm bảo đủ sức răn đe nhằm hạn chế vi phạm trong lĩnh vực này. Quan tâm đến việc xây dựng Luật Kế toán viên công chứng, nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho việc hình thành Viện kế toán viên công chứng của Việt Nam để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực cũng như quản lý, giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên công chứng.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán và người hành nghề kế toán, kiểm toán.

Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp lý về kế toán, kiểm toán của các đơn vị kế toán trong khu vực công và khu vực tư. Tổ chức bộ máy kế toán tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế nhằm tạo lập cơ sở thống nhất cho việc lập và trình bày thông tin tài chính của các đơn vị kế toán thuộc khu vực công, bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai các giải pháp thúc đẩy việc lập và trình bày báo cáo tài chính nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản và nguồn lực nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Thiết lập quan hệ với các cơ quan quản lý và diễn đàn khu vực và quốc tế về kế toán, kiểm toán (như AARG, IFIAR, IFAC, IASB). Thúc đẩy việc di chuyển CPA trong khối ASEAN thông qua thỏa thuận hợp tác công nhận lẫn nhau và thực hiện việc luân chuyển nhân viên giữa các nước.

Đặc biệt, để tiếp cận và không lạc hậu với các trào lưu công nghệ 4.0 hiện nay, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu, sử dụng hỗ trợ của Công nghệ 4.0 trong hoạt động kế toán, kiểm toán. Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Cục trưởng đặt niềm tin và kỳ vọng như thế nào vào việc thực hiện chiến lược này?

Ông Vũ Đức Chính: Chúng tôi tin tưởng rằng với những thành quả đã đạt được, cùng với nỗ lực và quyết tâm cao, đảm bảo việc tập trung tối đa toàn bộ mọi nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi sẽ phấn đấu để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đảm bảo đạt được các chỉ tiêu đề ra theo từng mục tiêu, mục đích chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đối với lĩnh vực kế toán. Từ đó phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán và nâng cao chất lượng của các thông tin kinh tế, tài chính, ngân sách do kế toán, kiểm toán cung cấp thông tin tin cậy phục vụ hoạt động điều hành của Chính phủ, thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư phát triển phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế.

PL

Nguồn cổng thông tin điện tử của bộ tài chính
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.432.154
Truy cập hiện tại 541